Kế hoạch 291/KH-UBND năm 2020 về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 291/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2020
Ngày có hiệu lực 22/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đức Thọ
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 291/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021- 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đưa thương mại điện tử trở thành lĩnh vực phát triển quan trọng trong phát triển thương mại của thành phố Hải Phòng; ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, là hoạt động được sử dụng phổ biến, quan trọng trong việc mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường doanh nghiệp, tiêu dùng hàng ngày của nhân dân; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của Thành phố trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo lập môi trường, chính sách cho doanh nghiệp và người dân phát triển thương mại điện tử; Phát huy vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử của các ngành, các cấp, các tổ chức liên quan đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố Hải Phòng hoạt động về thương mại điện tử đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ hàng hóa; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh qua thương mại điện tử.

2. Yêu cầu

Xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển thương mại điện tử phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; gắn kết đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, các ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, phân phối, logistics và các ngành dịch vụ khác; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; các chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Các cấp, các ngành, các địa phương phải xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện. Các nội dung, nhiệm vụ có thể lồng ghép với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ các cấp, các ngành đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả, hợp lý; Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, mở rộng kênh phân phối, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước; Góp phần vào thực hiện thắng lợi Chương trình thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số .

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Hải Phòng phát triển bt phá về thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của thành phố, đưa thành phố Hải Phòng đến năm 2025 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục phát triển bền vững trong các giai đoạn tiếp theo, có vai trò trung tâm của vùng, cả nước và vị thế quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về quy mô thị trường thương mại điện tử

- Tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2025 đạt 80% số người sử dụng Internet trên địa bàn thành phố và trên 90% dân số biết đến lợi ích của thương mại điện tử.

- Doanh số thương mại điện tử đến năm 2025 tăng bình quân 16 - 18%/năm.

2.2. Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đến năm 2025 đạt trên 70%.

- Đến năm 2025, 80% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

- Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

2.3. Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp

- 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

- 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.

- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

- 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2.4. Về ứng dụng thương mại điện tử trong cơ quan nhà nước

- 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

- 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố hoặc qua Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

[...]