Kế hoạch 29/KH-UBND triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Phú Yên năm 2016

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2016
Ngày có hiệu lực 10/03/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phan Đình Phùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Phú Yên, ngày 10 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN” NĂM 2016

Căn cứ Thông tư số 11/2011/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 26/01/2011 của Liên bộ: Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 09/12/2010 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Phú Yên giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Phú Yên về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội năm 2016 với những nội dung cụ thể sau:

1. Truyền thông nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội

a. Nội dung thực hiện:

- Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của công tác xã hội; giúp người dân tiếp cận và biết cách sử dụng dịch vụ công tác xã hội, góp phần phát triển công tác xã hội trở thành một nghề.

- Ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án phát triển nghề công tác xã hội, những khó khăn và thuận lợi trong việc triển khai Đề án nói chung và tại các địa phương, đơn vị.

- Những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, những điển hình trong thực hiện công tác xã hội.

- Kết hợp các kênh thông tin đa chiều để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chương trình, nội dung đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ nhân viên công tác xã hội; phát triển mạng lưới cán bộ, nhân viên và mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

b. Thời gian thực hiện: Từ tháng 3 - 12/2016.

c. Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin - Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan thông tin, truyền thông, báo, đài ở Trung ương và địa phương.

2. Đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội

a. Nội dung thực hiện:

Tiếp tục theo dõi lớp Đại học nghề công tác xã hội hệ vừa làm vừa học năm học 2013-2018. Với số lượng 25 học viên và lớp Đại học nghề công tác xã hội hệ vừa làm vừa học năm học 2015-2020, với số lượng 35 học viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã được UBND tỉnh phê duyệt.

b. Kinh phí thực hiện: 240.000.000 đồng (Đã giao dự toán đầu năm 2016 cho Sở Giáo dục và Đào tạo).

c. Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

3. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác xã hội

a. Nội dung thực hiện:

- Tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội, những kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội.

- Đối tượng: Cộng tác viên công tác xã hội làm việc tại 112 xã, phường, thị trấn (cấp xã); cán bộ các điểm tư vấn trẻ em, Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội phụ nữ và cán bộ làm công tác Lao động-Thương binh và Xã hội cấp xã.

- Giảng viên: Trường Đại học Lao động xã hội - TP Hồ Chí Minh.

b. Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2016 - 12/2016.

[...]