Kế hoạch 2887/KH-UBND năm 2014 thực hiện Quyết định 1196/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2887/KH-UBND
Ngày ban hành 06/11/2014
Ngày có hiệu lực 06/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Đức Tuy
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2887/KH-UBND

Kon Tum, ngày 06 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1196/QĐ-TTG NGÀY 23/7/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẤP, THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai như sau:

I. Mục đích, mục tiêu, yêu cầu:

1. Mục đích:

Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế và các nhu cầu sử dụng khác; đảm bảo cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu:

Đến năm 2020 đạt các mục tiêu đặt ra trong Định hướng phát triển hệ thống cấp, thoát nước và Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định: số 1929/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 về việc phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; số 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 về việc phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:

2.1. Về cấp nước:

- Tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày.đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày.đêm; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định;

- Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với đô thị loại V; cấp nước liên tục 24 giờ đối với các đô thị loại IV trở lên.

2.2. Về thoát nước:

- Thoát nước mưa: Xóa bỏ tình trạng ngập nước cục bộ tại các đô thị từ loại IV trở lên; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đạt trên 80%;

- Thoát nước thải: Đô thị loại III có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỉ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định lên 60%. Tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định; các công trình thu nước bề mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung không gây ô nhiễm môi trường.

2.3. Về quản lý tổng hợp chất thải rắn:

- 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ;

- 80% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế;

- 50% bùn bể phốt của đô thị loại II và 30% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường;

- Giảm 65% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010;

- 80% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình;

- 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế;

- 70% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường;

- 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường;

- 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

3. Yêu cầu:

- Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với nhà đầu tư và người dân.

- Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; hạn chế tối đa rác thải, nước thải không đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường.

- Phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững phải đáp ứng theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ, gây ô nhiễm phải trả tiền, theo đó các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cấp, thoát nước, phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí để xử lý.

[...]