Kế hoạch 2870/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 2870/KH-UBND
Ngày ban hành 27/07/2022
Ngày có hiệu lực 27/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2870/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 27 tháng 07 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả; huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đoàn kết thống nhất, tham gia của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp nhân dân, sự đồng hành của các tổ chức kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp… qua đó đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trước gần 3 năm và là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,5% tổng số xã, đạt 166,7% kế hoạch); có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 03 đơn vị cấp huyện trong giai đoạn 2016-2020 (đạt 300% kế hoạch); bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã (vượt 0,7 tiêu chí/xã so với kế hoạch), không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Huy động nguồn lực đầu tư trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực[1], hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được quan tâm đầu tư đồng bộ; diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được củng cố vững chắc... Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, tạo không khí thi đua mạnh mẽ ở mỗi địa phương; nhiều mô hình điển hình, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được tổng kết, triển khai nhân rộng[2]; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình được triển khai thường xuyên, liên tục đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn tới như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; thu hút các nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn, còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Kết quả xây dựng nông thôn mới còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; hạ tầng giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; cảnh quan, môi trường nông thôn chưa đảm bảo,...

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giai đoạn vừa qua và triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; tạo sự thống nhất về quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

I. CĂN CỨ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

- Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

- Nghị quyết số 28-NQ/ĐH ngày 28 tháng 10 năm 2020 Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Nghị quyết số 72-NQ/TU ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách thưởng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025;

- Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới ở các khu dân cư;

- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể: Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được thực hiện ở 13/13 huyện, thành, thị với 196 xã và 2.040 khu dân cư nông thôn; phấn đấu đến hết năm 2025:

- Toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 53,8% số huyện), gồm có: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông (tăng thêm 03 huyện: Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông).

- Có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,9% tổng số xã), tăng thêm 44 xã[3]; có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 18,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới)[4], trong đó có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu[5];

- Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

- Có 1.720/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm cả các khu dân cư nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới), đạt 84,3% tổng số khu dân cư, trong đó có tối thiểu 172 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (bằng 10% tổng số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới).

(Chi tiết tại biểu số 3A,3B,4A,5A,5C,6A,6B kèm theo)

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Về quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch cấp xã, cấp huyện đảm bảo xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch hệ thống giao thông, hệ thống xử lý môi trường, các vùng sản xuất tập trung, các thiết chế phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư cấp khu dân cư, cấp xã, cấp huyện. Tổng nhu cầu vốn khoảng 85,3 tỷ đồng;

- Phấn đấu hết năm 2022 hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện đối với các huyện Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông; đến năm 2025: Có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về quy hoạch (tiêu chí số 1) theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

[...]