Kế hoạch 2859/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 2859/KH-UBND
Ngày ban hành 18/09/2024
Ngày có hiệu lực 18/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Hồng Thanh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2859/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 18 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm triển khai kịp thời, thực chất các nội dung Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

- Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề; đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm gắn với nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương để triển khai thực hiện thật hiệu quả.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỤ THỂ

Phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để đạt được các mục tiêu Kế hoạch, cần thực hiện đồng bộ 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là giải pháp đột phá. Cụ thể:

1. Xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

- Phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách khi có hướng dẫn của Trung ương như:

+ Chính sách thu hút người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm; ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, sức khỏe,...

+ Chính sách đối với người học thuộc các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động nữ, lao động di cư, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ...; chính sách về bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.

+ Chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

+ Chính sách khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công nhận là trường chất lượng cao; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù và lĩnh vực, ngành, nghề dặc thù.

+ Nghiên cứu các chính sách, quy định của trung ương áp dụng vào thực tế địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Triển khai hiệu quả Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

- Triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, cụ thể hóa các chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp phù hợp với tình hình của địa phương. Thực hiện chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp; chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao[1].

- Đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại chỗ bao gồm việc hỗ trợ xây dựng và thẩm tra chương trình, giáo trình đào tạo và đánh giá cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học.

- Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp.

- Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng về giáo dục nghề nghiệp tiếp cận “quản lý rủi ro” và đẩy mạnh “hậu kiểm”. Thực hiện công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giai đoạn 2024 - 2030 bảo đảm cả về s lượng, chất lượng, đạt trình độ chuẩn, trẻ hóa, có tính kế thừa bền vững; ưu tiên tuyển dụng bổ sung, đào tạo kịp thời đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ cao gắn liền với việc đánh giá giáo viên, giảng viên hàng năm theo quy định; đảm bảo định múc quy định về tỷ lệ học sinh, sinh viên trên giáo viên, giảng viên đối với tất cả các ngành, nghề đào tạo. Nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm định, đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xâ hội.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn; Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Thường xuyên hàng năm.

[...]