Kế hoạch 2853/KH-UBND năm 2024 về Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 2853/KH-UBND
Ngày ban hành 17/07/2024
Ngày có hiệu lực 17/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Phan Trọng Tấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2853/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2025 - 2027 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Văn bản số 3635/BTNMT-KHTC ngày 06/6/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm

2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như sau.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2023 VÀ NĂM 2024

I. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2023 và năm 2024:

1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:

1.1. Về công tác chỉ đạo:

- Trong các năm qua, công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã được chú trọng tăng cường; trong đó, tập trung triển khai tích cực các quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn rà soát, góp ý sửa đổi các quy định bất cập trong công tác quản lý bảo vệ môi trường; không thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vào tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ môi trường theo hướng không thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo tại các Chỉ thị, Nghị quyết, Chiến lược của Trung ương. Trong đó, đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; tăng cường công tác truyền nhận và kiểm soát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục; tăng cường biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các dự án trong các Khu, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm soát việc thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cơ sở. Chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện tự rà soát, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải cấp huyện; hướng dẫn Ban quản lý các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thành, thị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị triển khai Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó giao chỉ tiêu thực hiện về “tỷ lệ khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý rác thải” và “tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung” cho các huyện, thành, thị nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội về môi trường được giao. Tổng hợp báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 06/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1.2. Kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường:

- Công tác thẩm định hồ sơ về môi trường: trong thời gian qua công tác thẩm định hồ sơ về môi trường đã được nâng cao chất lượng, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, không chấp thuận dự án có loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cho 57 dự án; thẩm định, cấp Giấy phép môi trường cho 82 dự án). Thông qua công tác thẩm định các dự án đầu tư phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhiều công trình xử lý môi trường của các dự án đã được điều chỉnh để đảm bảo xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu quy chuẩn trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

- Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: các dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều có hồ sơ môi trường và chấp hành đầu tư các công trình, biện pháp xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động theo nội dung hồ sơ môi trường đã phê duyệt. Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tính đến nay có tổng số 225 dự án (của 206 đơn vị) đã thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ, trong đó có 9 dự án (của 8 đơn vị) đã đóng cửa mỏ khoáng sản được hoàn trả tiền ký quỹ.

- Công tác bảo vệ môi trường nông thôn: UBND tỉnh đã ban hành các văn bản liên quan về công tác bảo vệ môi trường nông thôn nhằm cụ thể hóa các đường lối, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung hoặc lồng ghép vào các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành. Đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

- Về bảo vệ môi trường không khí: xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường trong đó có quan trắc môi trường không khí trong quy hoạch tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý phương tiện vận tải, đặc biệt là các xe chở nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vận chuyển nguyên vật liệu không có biện pháp che chắn, để rơi vãi ra các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn thành phố Việt Trì; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường không khí... đồng thời thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí qua các phương tiện truyền thông, vận động người dân trên địa bàn không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, từ đó tăng cường ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư 1 trạm quan trắc không khí tự động, cập nhập liên tục chỉ số chất lượng không khí (AQI) về hệ thống thông tin của Bộ. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm để tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động từ các cơ sở có nguồn thải lớn để tiếp nhận dữ liệu quan trắc khí thải truyền về. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và theo dõi dữ liệu quan trắc tự động 22 trạm quan trắc của 10 cơ sở doanh nghiệp, Khu công nghiệp (gồm: 15 trạm quan trắc khí thải, 7 trạm quan trắc nước thải).

- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong các Khu, cụm công nghiệp: hiện tại, toàn tỉnh có 7 Khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 2.285ha; trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động; 28 Cụm công nghiệp (CCN) tổng diện tích quy hoạch là 1.100ha, trong đó 16 CCN đang hoạt động. Tuy nhiên mới có một số Khu, cụm công nghiệp gồm KCN Thụy Vân, KCN Phú Hà, KCN Cẩm Khê, CCN Việt Nam-Korea, CCN Đồng Lạng, CCN Hoàng Xá, CCN Bãi Ba Đông Thành, CCN thị trấn Sông Thao, CCN Thanh Minh, CCN Bắc Lâm Thao và CCN Vạn Xuân đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các Khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tự chịu trách nhiệm xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

- Công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu: tỉnh Phú Thọ có 4 đơn vị được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp, Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng, Công ty cổ phần giấy Lửa Việt) sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Quá trình nhập khẩu được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

- Công tác quản lý chất thải:

+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (tính cả đô thị và nông thôn) khoảng 781,28 tấn/ngày. Tại khu vực đô thị: người dân thực hiện tập kết rác thải tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hằng ngày có công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về nơi xử lý. Tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao), thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng) và một số địa bàn huyện Tam Nông rác thải được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; nilon được rửa sạch tái chế lại làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; nhựa không tái chế, cao su… và rác thải trơ khác được đem chôn lấp tại ô chôn lấp chất thải trơ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh; gạch đá, sạn sỏi, vỏ sò, hến, thủy tinh xử lý nghiền sàng theo công nghệ hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng. Tại khu vực nông thôn, công tác thu gom được người dân tập kết rác thải ven trục đường chính, định kỳ Hợp tác xã, tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của xã, khu.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp: phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn hiện nay bao gồm các ngành nghề dệt may; chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, điện tử; chế biến khoáng sản; sản xuất nhựa, hóa chất với một số sản phẩm chính như bao bì PP, PE, nhựa... Thành phần chủ yếu bao gồm các chất hữu cơ, cao su, nhựa, bìa caton, giẻ vụn, kim loại, thủy tinh, gốm, sứ, gạch đá vụn... Tỷ lệ phần trăm thành phần các chất thải không ổn định và có sự biến động giữa các Khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Thống kê số liệu tổng hợp thông qua báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2023 (của 152 cơ sở đã gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy khối lượng CTRCNTT phát sinh là 63.806 tấn bao gồm chất thải tự tái chế và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định (xử lý đạt 100%). Trên địa bản tỉnh Phú Thọ có 2 đơn vị hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đang hoạt động gồm Công ty cổ phần xử lý chất thải Phú Thọ và Công ty TNHH môi trường Phú Minh Vina.

- Về xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 1 khu vực ô nhiễm do tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Cẩm Khê tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành dự án “xử lý, khắc phục môi trường đất do bị ô nhiễm nghiêm trọng các hóa chất bảo vệ thực vật tại kho thuốc bảo vệ thực vật thuộc khu 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ” vào năm 2019.

- Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học: tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng, phát triển rừng. Trong những năm qua, tỉnh đã bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên; phát triển rừng bền vững, nâng cao chất lượng rừng, làm giàu rừng, thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh, gắn bảo vệ và phát triển rừng với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và phát triển du lịch sinh thái, độ che phủ rừng tăng dần. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 Khu bảo tồn (khu rừng đặc dụng) với tổng diện tích 17.278,6ha, trong đó 4 khu rừng đặc dụng đã có Ban quản lý (bao gồm: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa); 1 khu rừng đặc dụng chưa có Ban quản lý (khu rừng văn hóa lịch sử huyện Yên Lập). Công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực tới kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và tiềm năng của tỉnh Phú Thọ; kiểm soát có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiểm soát tốt, diệt trừ kịp thời các loài ngoại lai xâm hại, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp bùng phát ảnh hưởng gây hại có liên quan tới sinh vật ngoại lai… Xây dựng Phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tỉnh Phú Thọ giai đoạn

2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài và các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh, góp phần định hướng, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội bền vững.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được tăng cường: tiếp tục đôn đốc, triển khai Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 22/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Hỗ trợ kinh phí thực hiện tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho các hội, đoàn thể cấp tỉnh. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ các tổ chức chính trị, đoàn thể đã chủ động lồng ghép nội dung truyền thông về bảo vệ môi trường vào chương trình, kế hoạch công tác và hoạt động của ngành, lĩnh vực, kết hợp tốt công tác giáo dục tuyên truyền gắn liền với xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng. Chỉ đạo đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày đất ngập nước thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình. Báo, Đài và các cơ quan truyền thông liên quan cung cấp, đưa tin về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa, hỗ trợ về dụng cụ vệ sinh môi trường, túi thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn.

1.3. Tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Trong các năm qua, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đầy đủ, đồng bộ, triển khai các nội dung theo quy định của Trung ương phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh Phú Thọ. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã từng bước nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do vậy, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai; chủ động ứng phó với thiên tai có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ; sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi; triển khai mô hình nông lâm kết hợp; trồng rừng, bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng. Lồng ghép sản xuất nông nghiệp, nông thôn với phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai, nhân rộng các mô hình xen canh nông nghiệp phù hợp với điều kiện trồng trọt và chăn nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, phát triển nhân rộng giống cây trồng và vật nuôi; tăng cường các hình thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu đã quan tâm đầu tư nguồn lực, trong đó chủ yếu tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phòng chống thiên tai; xây dựng nông thôn mới và các hoạt động khác trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị:

[...]
24
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ