Kế hoạch 280/KH-UBND năm 2022 về phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 280/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2022
Ngày có hiệu lực 19/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 280/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG THẤP CÒI Ở TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”;

Căn cứ Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 5556/QĐ-BYT ngày 04/12/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Mục tiêu 1: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và tình trạng thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 25%.

- Giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 18%.

- Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 9%.

- Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 10%.

b) Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung Vitamin A, 2 đợt/năm đạt trên 95%.

- Giảm tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 20%. Giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ lần lượt xuống dưới 25% và 20%.

- Trên 95% phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp miễn phí viên sắt, viên đa vi chất từ khi phát hiện mang thai đến 1 tháng sau sinh.

c) Mục tiêu 3: Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm ngay sau khi sanh.

- 25% trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

- 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

- 60% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi được ăn bổ sung đúng, đủ.

- Tăng tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm lên 90%.

- Trên 90% hộ gia đình duy trì dùng muối I-ốt trong bữa ăn hằng ngày.

d) Mục tiêu 4: Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Trên 90% phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trong 3 thai kỳ.

[...]