Kế hoạch 278/KH-UBND năm 2023 công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Số hiệu 278/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2023
Ngày có hiệu lực 31/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2024

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) (sau đây gọi chung là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và các văn bản hướng dẫn thi hành; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách thể chế trong bộ chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật, không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Yêu cầu

a) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc xây dựng, ban hành văn bản tuân thủ đúng trình tự, thủ tục; nội dung văn bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

b) Việc kiểm tra, xử lý văn bản phải bảo đảm tính toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan.

c) Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát, tuân thủ trình tự rà soát, không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát.

d) Việc hệ thống hóa văn bản phải tuân thủ trình tự, thủ tục hệ thống hóa; tập hợp đầy đủ các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa.

II. NỘI DUNG

1. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

- Kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 18/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 22/6/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 38- CTr/TU ngày 18/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 09/9/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

- Tiếp tục thi hành nghiêm, hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện chỉ số Cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII).

- Kịp thời lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương quy định chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra, nhất là các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nâng cao chất lượng tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương; cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm tham gia ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến tham gia đối với nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Nâng cao chất lượng đề xuất xây dựng chính sách, đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi sát tình hình, kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chủ trì soạn thảo.

2. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

- Các sở, ngành chủ trì soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chủ động tự kiểm tra văn bản ngay sau khi ban hành. Thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, kiểm tra văn bản theo địa bàn, chuyên đề, ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định.

3. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Thực hiện rà soát thường xuyên, theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành để xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

- Hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kỳ 2019 - 2023 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và công bố kết quả hệ thống hoá để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

[...]