Kế hoạch 2733/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 2733/KH-UBND |
Ngày ban hành | 11/10/2017 |
Ngày có hiệu lực | 11/10/2017 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Nguyễn Văn Hòa |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2733/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 11 tháng 10 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP tại Kế hoạch số 15/KH-BCĐ ngày 19/01/2016 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.
1. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung của Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn tỉnh, góp phần tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động về phòng, chống mua bán người nhằm giảm nguy cơ mua bán người; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
2. Triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất, toàn diện trong phòng, chống mua bán người.
3. Các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch, xác định rõ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, thiết thực và có hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người.
II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng dân cư bằng những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm địa bàn và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.
Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
2. Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án của Chương trình theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Công an tỉnh: Căn cứ Kế hoạch triển khai của Bộ Công an đối với Đề án 2 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”; Đề án 4 “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người”; Đề án 5 “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Căn cứ Kế hoạch triển khai của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Căn cứ Kế hoạch triển khai của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người”; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- BCH Bộ đội biên phòng tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh: Căn cứ Kế hoạch triển khai tiểu Đề án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người khu vực biên giới, biển và hải đảo” và tiểu Đề án “Truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng” để triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- Các cơ quan, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị nêu trên trong việc triển khai các nội dung có liên quan.
3. Lồng ghép thực hiện Chương trình với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình tại địa bàn tỉnh.
- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
4. Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, địa phương; ngoài ra, được huy động từ Quỹ phòng, chống tội phạm và nguồn huy động nguồn hợp pháp khác.
- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tranh thủ huy động kinh phí từ các doanh nghiệp, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, phù hợp với quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào Chương trình, nội dung, yêu cầu tại kế hoạch này xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
2. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm và khi có tình hình đột xuất, các sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người về Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo 138/CP.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia giám sát thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư, phòng, chống mua bán người.
Công an tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này./.
|
CHỦ TỊCH |