Kế hoạch 271/KH-UBND về tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2023 do tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu | 271/KH-UBND |
Ngày ban hành | 20/04/2023 |
Ngày có hiệu lực | 20/04/2023 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Lê Hồng Vinh |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 271/KH-UBND |
Nghệ An, ngày 20 tháng 4 năm 2023 |
Thời gian qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã cơ bản triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (viết tắt là VK, VLN, CCHT), đạt nhiều kết quả, góp phần bảo đảm tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp, số VK, VLN, CCHT tồn tại ngoài xã hội còn nhiều. Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công an vẫn xác định Nghệ An là một trong 18 địa bàn trọng điểm về VK, VLN, CCHT.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về VK, VLN, CCHT; thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý VK, VLN, CCHT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và toàn dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT.
2. Thu hồi triệt để VK, VLN, CCHT còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do VK, VLN, CCHT gây ra, nhất là tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
3. Kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT trên không gian mạng và ngoài xã hội.
4. Nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất.
1. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thu hồi triệt để VK, VLN, CCHT
a) Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và các văn bản hướng dẫn thi hành; hậu quả, tác hại, những nguy hiểm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT.
b) Biện pháp:
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, truyền hình, panô, áp phích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và các văn bản hướng dẫn thi hành; đưa nội dung này vào sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc sinh hoạt tại cộng đồng cơ sở; tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động. Tập trung tuyên truyền tại địa bàn trọng điểm còn tồn đọng nhiều vũ khí, vật liệu nổ do chiến tranh để lại và địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; đồng bào dân tộc; các cá nhân trước đây được trang bị, sử dụng vũ khí, CCHT nay không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT.
- Rà soát, lên danh sách các đối tượng nghi vấn còn tàng trữ trái phép VK, VLN, CCHT; các cá nhân còn lưu giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ làm kỷ vật; số súng săn trước đây đã trang bị cho các cá nhân sử dụng; đồng bào dân tộc thiểu số còn chế tạo, lưu giữ, sử dụng vũ khí tự chế như: súng kíp, súng hơi... trong phạm vi từng xã, phường, làng, bản để có biện pháp tuyên truyền, vận động giao nộp phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền tập trung và tuyên truyền cá biệt. Đối với những đối tượng cố tình không giao nộp thì có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT; duy trì, nhân rộng mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả, phát hiện sớm, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tổ chức vận động nhân dân cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác này.
- Tổ chức điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nhân dân giao nộp tại trụ sở UBND cấp xã, các đồn Bộ đội Biên phòng (nếu có) hoặc Công an xã, phường, thị trấn để nhân dân giao nộp. Sau khi tiếp nhận phải thực hiện tốt công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Riêng vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, gia truyền theo phong tục, tập quán thì hướng dẫn nhân dân khai báo theo đúng quy định của pháp luật.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, về lĩnh vực bưu chính, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT trên không gian mạng, qua dịch vụ bưu chính; phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ tài khoản mạng xã hội, kênh youtube, video quảng cáo mua bán, hướng dẫn, chế tạo VK, VLN, CCHT trên không gian mạng. Thực hiện tốt công tác quản lý lĩnh vực công nghiệp và thương mại, quản lý địa bàn, chủ động phối hợp lực lượng chức năng có liên quan, tiến hành giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định phát luật. Làm tốt công tác quản lý cư trú người nước ngoài, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, phục vụ kịp thời có hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT qua biên giới. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép trang bị, sử dụng VK, VLN, CCHT, các cơ sở kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; rà soát, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
3. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT. Phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các đường mòn để phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào Việt Nam. Kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, truy xét tận gốc nguồn gốc VK, VLN, CCHT xử lý triệt để. Thực hiện nghiêm công tác chấp hành pháp luật trong giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT.
4. Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án liên quan VK, VLN, CCHT. Lựa chọn, xác định các vụ án lớn, trọng điểm, được dư luận quan tâm để kịp thời đưa ra xét xử, phục vụ tích cực, có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết các vụ án cho đội ngũ cán bộ giữ các chức danh tư pháp. Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông về kết quả xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT.
5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT đã được trang bị. Rà soát, thống kê, sắp xếp theo quy định các kho chứa VK, VLN, CCHT và kho, nơi cất giữ, bảo quản VK, VLN, CCHT là vật chứng vụ án, vụ việc hoặc đã được thu hồi. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, nhất là hành vi làm mất VK, VLN, CCHT hoặc sử dụng VK, CCHT không đúng mục đích.
6. Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc, đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
1. Công an tỉnh
- Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT; tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh theo quy định.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và ban, ngành có liên quan triển khai tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân giao nộp VK, VLN, CCHT. Tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản, phân loại, thanh lý, tiêu hủy VK, VLN, CCHT theo quy định.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến VK, VLN, CCHT, đồng thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội.
- Huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT. Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, đối tượng có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở khu vực biên giới, tuyến biển.