Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 271/KH-UBND
Ngày ban hành 29/07/2021
Ngày có hiệu lực 29/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Võ Trọng Hải
Lĩnh vực Đầu tư,Xuất nhập khẩu,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 29 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 63/NQ-CP NGÀY 29/6/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ XUẤT KHẨU BỀN VỮNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2021 VÀ ĐẦU NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 63/CP); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 63/CP; xác định trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

b) Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; quyết liệt phòng, chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 100% kế hoạch; phát triển xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.

c) Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

2. Yêu cầu:

a) Thực hiện đầy đủ, đồng bộ, chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ đã phân công trong Nghị quyết số 63/CP.

b) Các nhiệm vụ, giải pháp phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

c) Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị:

- Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư tại các Kết luận, Thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và các Kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 08/12/2020 của Tỉnh ủy, Chương trình số 04/CTr-UBND ngày 06/01/2021 và Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh.

- Chủ động xây dựng các phương án, kịch bản đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, ly phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, tấn công là chủ động, đột phá. Quản lý chặt chẽ người đến/về từ địa điểm có dịch, các trường hợp hết cách ly tập trung về trên địa bàn, người ho sốt, trong cộng đồng, cơ sở y tế. Ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới, cảng biển, cửa khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ liên gia, Tổ truy vết COVID-19, Tổ an toàn COVID-19 trong các doanh nghiệp. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vắc-xin, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Xác định việc đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị; cần phải bám sát tình hình thực tế triển khai của từng dự án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, khả thi và hiệu quả; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại Văn bản số 642/VPCP-KTTH ngày 26/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, Chương trình hành động số 70/CTr-UBND ngày 15/3/2021, Thông báo Kết luận số 235/TB-UBND ngày 11/7/2021 ,Văn bản số 986/UBND-TH2 ngày 24/02/2021, Văn bản số 3098/UBND-TH2 ngày 21/5/2021, Văn bản số 3787/UBND-TH2 ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

- Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ. Theo dõi sát diễn biến tình hình, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường. Kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là hoạt động xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đang còn bất cập, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Kịp thời hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tích hợp Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các Nhà tài trợ nước ngoài, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kịp thời.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2021 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

3. Sở Tài chính:

- Điều hành ngân sách đảm bảo dự toán giao đầu năm, chặt chẽ, đúng chế độ quy định; chủ động điều hành ngân sách phù hợp với tiến độ thu ngân sách; ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025; đảm bảo các chế độ an sinh xã hội, cơ chế chính sách, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; các chế độ, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ.

- Chủ động rà soát, tham mưu phương án kinh phí tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

[...]