ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 271/KH-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
21 tháng 12 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34/CT-TTG NGÀY 28/8/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NƯỚC SẠCH, BẢO
ĐẢM CẤP NƯỚC AN TOÀN, LIÊN TỤC.
Thực hiện Quyết định số
1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025; Chỉ thị số
34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý
hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục;
trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Sở Xây dựng tại Công văn số 7557/SXD-HT ngày
02/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt
động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục với các
nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH
YÊU CẦU:
- Đảm bảo hoạt động sản xuất,
kinh doanh nước sạch an toàn, liên tục cho người dân và phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và đất nước nói chung; chủ động ứng phó với điều
kiện biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa
và nâng cao chất lượng sống của người dân.
- Có giải pháp để đối phó với
các sự cố bất thường và nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất,
cung cấp nước sạch đến khách hàng sử dụng.
II. NỘI DUNG
KẾ HOẠCH
1. Nhiệm vụ thực
hiện
- Quán triệt và nâng cao nhận
thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh; có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, bảo vệ
nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hướng đến mục
tiêu phát triển bền vững;
- Nguồn nước, công trình cấp nước
và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm
ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của
nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn. Mọi hành vi xâm hại hành
lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công
trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn trong sản xuất, truyền tải,
cung cấp nước sạch phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;
- Chú trọng, nghiên cứu, xây dựng,
hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để huy động các nguồn lực,
ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất
lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là các khu vực
khô hạn thiếu nước, nhiễm mặn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; đồng thời
bảo đảm yêu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước, phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế;
- Tập trung nghiên cứu, đổi mới
mô hình đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận
hành, giám sát hệ thống sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sachh; bảo đảm chất
lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và đáp ứng các yêu cầu về xây dựng hệ
thống hạ tầng đô thị trong xu hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh
và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
- Tiếp tục thực hiện Quyết định
số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025.
2. Các nhiệm vụ,
giải pháp cụ thể
2.1. Sở Xây
dựng
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giám sát và báo cáo kết quả thực hiện Nghị
định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và
tiêu thụ nước sạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện bảo
đảm cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh đối với công trình cấp nước đô thị và
khu công nghiệp;
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan tổ chức rà soát tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phương
án cấp nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh về giải pháp dự phòng nguồn nước,
kết nối các vùng phục vụ cấp nước đối với các nhà máy nước; xây dựng quy chế phối
hợp với các Sở, ngành về công tác bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, quản
lý rủi ro và giải pháp khắc phục sự cố trong quá trình sản xuất, cung cấp nước
sạch trình UBND tỉnh ban hành;
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Nông thôn và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, kiểm
tra việc giao vùng cấp nước, chỉ đạo ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với các
đơn vị được giao vùng cấp nước công trình cấp nước có cả khu vực đô thị và khu
vực nông thôn;
- Khi thẩm định các đồ án quy
hoạch phải xem xét đầy đủ, khả thi và bảo đảm cung cấp ngay khi công trình, dự
án đi vào hoạt động, tuyệt đối không để tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt;
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức rà soát, đánh giá
hiệu quả, hạn chế và đề xuất giải pháp quản lý cấp nước báo cáo Bộ Xây dựng để
tổng hợp.
2.2. Sở Y tế
- Chủ trì xây dựng và tham mưu
cho UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử
dụng cho mục đích sinh hoạt phù hợp quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT;
- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh
việc rà soát, đầu tư nâng cao năng lực phòng xét nghiệm ngoại kiểm chất lượng
nước của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
2.3. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Chủ trì tổ chức lập danh mục
nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định; tổ chức thực hiện
thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy
nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm
nguồn nước sạch và xả nước thải không đảm bảo theo quy định vào nguồn nước.
2.4. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
- Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh
bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư
cho hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục phục
vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;
- Khi tham mưu chủ trương đầu
tư các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải xem xét đầy đủ, khả
thi và bảo đảm cung cấp ngay khi công trình, dự án đi vào hoạt động, tuyệt đối
không để tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt.
2.5. Sở Khoa
học và Công nghệ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao tham gia góp ý, thẩm định, đánh giá công nghệ đầu tư các công trình, dự án
sản xuất, cung cấp nước sạch; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong
công tác quản lý về đo lường trong sản xuất, kinh doanh nước sạch.
2.6. Sở
Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan
báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, thể thao và Du lịch các huyện, thị xã,
thành phố thực hiện công tác thông tin,tuyên truyền cho Nhân dân và các đơn vị,
địa phương nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành về bảo vệ nguồn nước,
công trình cấp nước và sử dụng tiết kiệm nước sạch; có hành động thiết thực để
bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch
tiết kiệm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
2.7. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện bảo
đảm cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh đối với công trình cấp nước nông thôn;
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, kiểm tra việc giao vùng cấp nước,
chỉ đạo ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với các đơn vị được giao vùng cấp nước
công trình cấp nước nông thôn;
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Hợp đồng cấp nước giữa doanh nghiệp cấp nước bán buôn, bán lẻ đối với
công trình cấp nước nông thôn;
- Rà soát, kiểm tra việc bảo đảm
an toàn đập, hồ chứa nước; khai thác bảo vệ hành lang đập, hồ chứa nước ưu tiên
mục tiêu cấp nước sinh hoạt.
2.8. Ban Chỉ
đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh Thanh Hóa
Chỉ đạo, kiểm tra việc lập, phê
duyệt và thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; chỉ đạo
doanh nghiệp cấp nước lắp đặt thiết bị quan trắc trực tuyến chất lượng nước và
chỉ số cấp nước các hệ thống cấp nước trên địa bàn và kết nối với cổng thông
tin giám sát của Bộ Xây dựng.
2.9. Công an
tỉnh
- Giám sát, kiểm tra và xử lý
các hoạt động trái quy định vi phạm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch,
bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục;
- Kiểm tra và xử lý vi các tổ
chức, cá nhân có hành vi xâm hại và phá hoại hệ thống cấp nước;
- Xây dựng quy định và tổ chức
diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn
nước và mất an ninh nước.
2.10. UBND
các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp với các đơn vị thực
hiện công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước
an toàn, liên tục;
- Khi thẩm định các đồ án quy
hoạch phải xem xét đầy đủ, khả thi và bảo đảm cung cấp ngay khi công trình, dự
án đi vào hoạt động, tuyệt đối không để tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt;
- Bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu
tư, huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư cho hệ thống sản xuất, cung cấp
nước sạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân
dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;
- Tăng cường công tác tuyên
truyền nâng cao nhận thực cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước
và sử dụng tiết kiệm nước sạch trên địa bàn;
- Rà soát, kiểm tra việc giao
vùng cấp nước, chỉ đạo ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với các đơn vị được
giao vùng cấp nước công trình cấp nước đô thị và khu công nghiệp. Chỉ đạo kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng cấp nước giữa doanh nghiệp cấp nước bán
buôn, bán lẻ đối với công trình cấp nước đô thị và khu công nghiệp; thủ tục đấy
nối, cung cấp nước sạch tại các khu đô thị mới, khu dân cư bảo đảm thuận lợi
cho người dân, cung cấp nước sạch đầy đủ, liên tục; rà soát công trình cấp nước
riêng tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thực hiện
đúng quy định của pháp luật, chủ trương hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm và
ưu tiên sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch.
2.11. Các
đơn vị liên quan
a) Các đơn vị cấp nước
- Lập kế hoạch cấp nước an toàn
và chống thất thoát, thất thu nước sạch của hệ thống cấp nước do mình quản lý
theo quy định;
- Ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp
nước với các đơn vị được giao vùng cấp nước công trình cấp nước đô thị và khu
công nghiệp; thực hiện Hợp đồng cấp nước đơn vị với công trình cấp nước đô thị
và khu công nghiệp; thủ tục đấy nối, cung cấp nước sạch tại các khu đô thị mới,
khu dân cư bảo đảm thuận lợi cho người dân, cung cấp nước sạch đầy đủ, liên tục;
- Tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch theo đúng lộ
trình và nhiệm vụ đã được phê duyệt;
- Xây dựng quy định và tổ chức
diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn
nước và mất an ninh nước đối với hệ thống do đơn vị quản lý. Lắp đặt thiết bị
quan trắc trực tuyến chất lượng nước và chỉ số cấp nước các hệ thống cấp nước
trên địa bàn và kết nối với cổng thông tin giám sát của Bộ Xây dựng;
- Đổi mới mô hình, ứng dụng
công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản
xuất, cung cấp nước sạch đảm bảo chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước
và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố;
- Thường xuyên rà soát, đánh
giá kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch để điều
chỉnh cho phù hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt;
- Định kỳ hàng năm tổ chức, rà
soát, đánh giá hiệu quả, hạn chế và đề xuất giải pháp cấp nước về Sở Xây dựng
trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp.
b) Trách nhiệm của cộng đồng
Cộng đồng dân cư, hộ gia đình,
các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước,
bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm; giám sát, kiểm tra chất lượng nước;
phát hiện và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm nhằm
bảo đảm thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh
doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, UBND huyện,
thị xã, thành phố, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên;
định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng trước ngày 01 tháng 12
hàng năm để tổng hợp, báo cáo.
2. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp
với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, tổ chức, cá nhân theo dõi,
đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại kế hoạch
này, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh./.
Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- T.tr Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (để thực hiện);
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh (để thực hiện);
- Các đơn vị cấp nước;
- Lưu: VT, Pg NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Giang
|