Kế hoạch 2694/KH-UBND năm 2024 về khơi thông nguồn lực đất đai theo Nghị quyết 28-NQ/TU và 159-NQ/BCSĐ do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 2694/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2024
Ngày có hiệu lực 19/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2694/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 28-NQ/TU NGÀY 07/12/2023 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XIV VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 159-NQ/BCSĐ NGÀY 20/02/2024 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 07/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 159-NQ/BCSĐ ngày 20/02/2024 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá năm 2024;

Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 12/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh;

Nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đột phá “Khơi thông nguồn lực đất đai”, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 07/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Nghị quyết số 159-NQ/BCSĐ ngày 20/02/2024 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để khơi thông nguồn lực đất đai, tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Phân công rõ nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện để khắc phục những hạn chế, yếu kém và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển của tỉnh

Ngày 18 tháng 01 năm 2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 (hoặc có thể có hiệu lực thi hành sớm hơn, dự kiến từ ngày 01/8/2024 theo Công điện số 53/CT-TTg ngày 26/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ). Để triển khai thi hành Luật Đất đai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Xác định việc xây dựng, hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương là phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tham mưu của các sở, ban, ngành đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo hiểu và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, từ đó góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của nguồn lực đất đai, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan theo danh mục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Theo thời gian Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục.

2. Rà soát, cập nhật, nâng cao chất lượng công tác lập, công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành

a) Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định. Trong đó, phải đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành; đồng thời, chú trọng việc quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thực hiện nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.

b) Khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác lập, công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quản lý chặt chẽ các loại đất, nhất là đất công ích, đất chưa sử dụng, đất đưa ra ngoài quy hoạch 03 loại rừng, đất nông lâm trường quản lý, đất giao cho các tổ chức sử dụng,... theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân khai đã được phê duyệt, cập nhật đầy đủ, kịp thời số liệu vào cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng.

c) Triển khai lập Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo đúng thời gian quy định. Thực hiện ban hành kế hoạch triển khai và thực hiện nghiêm việc lập, phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Ngoài ra, để nâng cao tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cần nghiên cứu chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch sử dụng đất hàng năm trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân có liên quan.

d) Tập trung nguồn lực cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững.

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất từ tỉnh đến huyện.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

3. Tạo quỹ đất sạch và quản lý chặt chẽ quỹ đất công để khai thác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

[...]