Kế hoạch 269/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025 do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 269/KH-UBND
Ngày ban hành 05/03/2019
Ngày có hiệu lực 05/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 269/KH-UBND

Lai Châu, ngày 05 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2025

Căn cứ Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 ‑ 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 ‑ 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn xã hội và Nhân dân về việc chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về vấn đề chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; trao đổi thông tin, theo dõi, giám sát việc cung cấp dịch vụ chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

Tăng cường hỗ trợ trẻ em đến 8 tuổi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em ưu tiên nhóm trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đang sống ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thu hút đầu tư tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai thực hiện kế hoạch.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Phấn đấu 60% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.

b) Phấn đấu 60% cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

c) Phấn đấu 40% các huyện, thành phố xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

1.3. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

a) Phấn đấu 80% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.

b) Phấn đấu 80% cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

c) Phấn đấu 75% các huyện, thành phố xây dựng, duy trì mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

2. Đối tượng, thời gian thực hiện kế hoạch

2.1. Đối tượng

- Trẻ em đến 8 tuổi.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2.2. Thời gian thực hiện kế hoạch: Từ năm 2019 đến năm 2025.

3. Nôi dung các hoạt động

3.1. Truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng

Thực hiện các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng về tầm quan trọng của sự phát triển bộ não của trẻ trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt trong 1.000 ngày đầu đời đẩy mạnh sự tham gia và cam kết của cha mẹ đối với thực hiện chăm sóc phát triển toàn diện của trẻ em; nâng cao nhu cầu và sự tiếp cận các dịch vụ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em để đảm bảo sự phát triển sớm và toàn diện cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong 1.000 ngày đầu đời.

[...]