Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 2658/KH-UBND năm 2021 triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 2658/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2021
Ngày có hiệu lực 22/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2658/KH-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC AN TOÀN TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Căn cứ Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022; Kế hoạch số 1019/KH-BYT ngày 9/7/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 về việc hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19; Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 9/7/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19,

UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu chung

Đảm bảo an toàn tiêm chủng trong triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- 100% NVYT trực tiếp tham gia tiêm chủng được đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- 100% trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian theo dõi tại cơ sở tiêm chủng (30 phút sau tiêm) được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

- 100% người được tiêm chủng được hướng dẫn và biết cách tự theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Hoạt động 1: Tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ

- Tổ chức tập huấn an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhân viên y tế trực tiếp tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương. Trong đó, chú trọng công tác bảo quản, vận chuyển vắc xin; khám sàng lọc trước tiêm; theo dõi người được tiêm chủng để kịp thời xử trí các trường hợp có phản ứng bất lợi sau tiêm chủng và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận sau tập huấn cho NVYT đã được đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

- Hướng dẫn xử trí, cấp cứu phản vệ và các hướng dẫn về chẩn đoán điều trị Hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối, viêm cơ tim sau tiêm chủng, cụ thể:

+ Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ và Công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng.

+ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm Vắc xin COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1996/QĐ-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

+ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3348/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Triển khai các hoạt động truyền thông về an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn từ 01/7/2021 đến khi kết thúc chiến dịch trên cơ sở kế hoạch truyền thông của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương. Tư vấn đầy đủ cho các đối tượng đến tiêm chủng về loại vắc xin, những phản ứng sau tiêm có thể gặp để người được tiêm chủng thông báo, phối hợp với cơ quan chuyên môn xử trí kịp thời.

2. Hoạt động 2: Bảo quản, vận chuyển vắc xin

- Vắc xin phải được lưu trữ, bảo quản ở các kho/tủ chuyên dụng, đảm bảo nhiệt luôn giữ ở nhiệt độ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và của Chương trình tiêm chủng Quốc gia.

- Vận chuyển vắc xin phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, luôn duy trì nhiệt độ khuyến cáo nhà sản xuất, đảm bảo an toàn, toàn vẹn, tránh va đập, rung lắc mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

- Tại các điểm tiêm: Vắc xin được bảo quản trong phích vắc xin, duy trì nhiệt độ từ 2 đến 80c. Các cơ sở tiêm chủng lĩnh vắc xin vào buổi sáng trong ngày tiêm chủng và trả vắc xin còn dư vào cuối ngày.

3. Hoạt động 3. Tổ chức tiêm chủng, xử lý phản ứng sau tiêm chủng

Tổ chức buổi tiêm vắc xin COVID-19 theo Quyết định số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và các quy định về công tác tiêm chủng. Nếu có các loại vắc xin COVID-19 khác nhau phải được tổ chức tiêm riêng, không được tiêm chủng chung trong 1 ngày (không được tiêm 1 ngày 2 loại vắc xin).

4. Hoạt động 4: Chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Thực hiện an toàn tiêm chủng theo Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 9/7/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:

- Các đơn vị y tế, các bệnh viện, các cơ sở tổ chức tiêm chủng rà soát, hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó có kế hoạch đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19. Cung cấp và trao đổi thông tin liên hệ của các bệnh viện (được phân công hỗ trợ cấp cứu), đội cấp cứu lưu động, cơ sở tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng. Kế hoạch đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm theo các cấp độ: xử trí tại chỗ, đội cấp cứu lưu động, bệnh viện thường trực cấp cứu và bệnh viện phụ trách cấp cứu theo vùng, cụ thể như sau:

[...]