Công văn 3886/BYT-DP năm 2021 hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3886/BYT-DP
Ngày ban hành 11/05/2021
Ngày có hiệu lực 11/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3886/BYT-DP
V/v Hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2021

 

Kính gửi: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 05/3/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Để việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và xử lý kịp thời các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 như sau:

1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ Hướng dẫn này chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc việc giám sát thường quy và giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và thông qua Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe.

2. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng cài đặt Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe, hướng dẫn người được tiêm cài đặt và sử dụng Ứng dụng này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế (số điện thoại: 0243.8462364, email: tiemchungytdp@gmail.com)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c. Bộ trưởng (để b/c);
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Các Viện VSDT, Viện Pasteur (để thực hiện);
- TTKSBT tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Đỗ Xuân Tuyên

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT SỰ CỐ BẤT LỢI SAU TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19
(Ban hành kèm theo Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/05/2021 của Bộ Y tế)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng tại Việt Nam đã được thiết lập ngay trong những giai đoạn đầu của công tác tiêm chủng nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sử dụng vắc xin, phát hiện sớm và phòng tránh những sai sót có thể xảy ra, đáp ứng nhanh đối với các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm chủng cũng như hướng dẫn và tuyên truyền có hiệu quả các thông tin cần thiết cho cộng đồng.

Việc theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng được thực hiện theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong đó có lĩnh vực tiêm chủng, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

Từ năm 2020, cùng với sự xuất hiện và lây truyền mạnh của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, các nhà sản xuất trên thế giới và tại Việt Nam đã khẩn trương tiến hành nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Tới nay trên thế giới đã có hơn 10 loại vắc xin phòng COVID-19 được đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp. Hơn 900 triệu liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây đều là những vắc xin mới nên hiệu quả phòng bệnh cũng như tính an toàn của các loại vắc xin này vẫn đang được tiếp tục theo dõi, tổng hợp trong quá trình sử dụng. Việc giám sát chặt chẽ, chủ động tính an toàn của vắc xin là hết sức cần thiết.

Để triển khai sử dụng vắc xin, ngày 05/03/2021 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là tai biến nặng sau tiêm, Bộ Y tế hướng dẫn giám sát sự cố sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao gồm giám sát thường qui và giám sát chủ động nhằm kịp thời xử trí các vấn đề phát sinh đảm bảo việc triển khai vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Giám sát thường qui sự cố bất lợi sau tiêm chủng

1.1. Theo dõi sau tiêm:

- Theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng.

- Hướng dẫn gia đình hoặc người được tiêm theo dõi chặt chẽ, thường xuyên tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng và tiếp tục trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

- Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), tím tái, khó thở... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm.

1.2. Giám sát phát hiện phản ứng thông thường:

- Khi triển khai tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng thực hiện theo dõi, ghi nhận các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm thông qua thông tin phản hồi từ người được tiêm hoặc gia đình người được tiêm, hoặc qua khai thác thông tin khi đối tượng tiêm đến cơ sở tiêm chủng. Thực hiện ghi chép thông tin về trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng (theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này).

- Hướng dẫn người được tiêm hoặc người nhà khai báo thông tin thông qua Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe tại địa chỉ http://hssk.kcb.vn/#/survey (triển khai khi được cung cấp).

1.3. Giám sát trường hợp tai biến nặng sau tiêm:

- Theo dõi, phát hiện, xử trí và báo cáo tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, Điều 17, Điều 18 và Điều 20 Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.

- Điều tra tai biến nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 15 Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế. Riêng biểu mẫu điều tra thực hiện như tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.

Trong hồ sơ điều tra trường hợp tai biến nặng sau tiêm cần lưu ý ghi nhận đầy đủ thông tin về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng, tiền sử mắc COVID-19, tiền sử điều trị COVID-19 bằng huyết tương, tiền sử bệnh tật và dùng thuốc.

[...]