Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2021 phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 254/KH-UBND
Ngày ban hành 12/10/2021
Ngày có hiệu lực 12/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 254/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện phát triển doanh nghiệp công nghệ số dưới nhiều hình thức, trên phương tiện truyền thông và phạm vi hoạt động của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về mục tiêu, vai trò quan trọng của doanh nghiệp số, tạo sự đồng thuận, quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp công nghệ số và từng bước làm chủ công nghệ, tạo đột phá thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam”.

- Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội, đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

- Cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Bám sát vào các nội dung của Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.

- Từng bước xây dựng, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số.

- Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận với công nghệ số và áp dụng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên những doanh nghiệp trọng điểm, tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với Chính quyền điện tử tiến tới Chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số, hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số, phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến, đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số...

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc có tối thiểu 300 doanh nghiệp công nghệ số, năm 2030 có tối thiểu 1.100 doanh nghiệp công nghệ số để xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh. Các loại doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung phát triển bao gồm:

- Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư, nghiên cứu công nghệ lồi đặt chi nhánh tại Vĩnh Phúc.

- Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất.

- Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

- Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

- Phấn đấu đạt mục tiêu công nghệ số trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, vì mục tiêu không chỉ phát triển về số lượng mà cần thêm về chất lượng, hiệu quả.

- Khuyến khích các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tuyên truyền chiến lược “Make in Viet Nam” để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này.

- Tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội, tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.

- Tổ chức truyền thông rộng rãi về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, tài nguyên và môi trường, tài chính, nông nghiệp,...của tỉnh; giúp quảng bá được Vĩnh Phúc là thị trường tiềm năng, là môi trường thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số trong nước và quốc tế đầu tư vào tỉnh.

[...]