Kế hoạch 25/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2017
Ngày có hiệu lực 09/02/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI - NĂM 2017

I. MỤC TIÊU

1. Sự cần thiết

Thành phố Hà Nội, với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là 30.840 ha. Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản là 21.300 ha; sản lượng đạt 110.000 tấn (tăng 9,7% so với năm 2015). Tuy nhiên, phát triển nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về môi trường và dịch bệnh. Năm 2016, diện tích thủy sản bị chết do môi trường, dịch bệnh là 644,63 ha (tăng 51,9% so với năm 2015) gây thiệt hại 311,1 tấn cá các loại (tăng 6,25% so với năm 2015). Nguyên nhân chính: (1) một số vùng chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nhưng đầu tư chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng; (2) công tác cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản chỉ thực hiện trên quy mô và diện tích nhỏ; (3) ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; (4) một số UBND huyện, thị xã chưa có bộ máy quản lý thú y thủy sản đồng bộ.

Để hạn chế dịch bệnh xảy ra và khắc phục tồn tại trong phát triển thủy sản, UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017”, cụ thể như sau:

2. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch bệnh thủy sản để phục vụ công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, nhằm phát triển nuôi trồng động vật thủy sản bền vững, có hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Mục tiêu cụ thể

a) Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

b) Giám sát, theo dõi, dự tính, dự báo, thông tin chính xác dịch bệnh để kịp thời phát hiện nhanh, bao vây, xử lý dịch triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng tại 18 vùng nuôi trồng động vật thủy sản tập trung và 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Nâng cao nhận thức cho người nuôi trồng thủy sản về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trong quá trình nuôi trồng; trách nhiệm của người nuôi trồng, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

d) Thiết lập được cơ sở dữ liệu về dịch bệnh động vật thủy sản, tiến tới xây dựng bản đồ dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Thú y số 79/2015/QH13;

Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giám sát dịch bệnh động vật thủy sản

Công tác giám sát dịch bệnh động vật thủy sản phải được thực hiện định kì hàng tháng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.

a) Giám sát bị động:

Tăng cường hệ thống giám sát của các trạm Thủy sản, khai báo, thông tin tận ao nuôi, đảm bảo tất cả các đối tượng thủy sản nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải được phát hiện và báo cáo kịp thời. Trong trường hợp nghi mắc bệnh nguy hiểm cần thu mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả.

b) Giám sát chủ động:

- Đối tượng: Cá giống và cá thương phẩm (cá rôphi, cá trắm, cá chép, ... các đối tượng nuôi chính trên địa bàn thành phố Hà Nội).

- Mục đích: Phát hiện sự lưu hành của mầm bệnh nguy hiểm như bệnh do virut mùa xuân, bệnh do vi khuẩn Steptococus, bệnh do vi khuẩn Aeromonas, Pseudomonas và một số bệnh có tần số xuất hiện nhiều như bệnh: kí sinh trùng, nấm... thông qua thu mẫu và xét nghiệm định kỳ ở vùng nuôi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

- Địa điểm thu mẫu: Tại 18 vùng nuôi trồng động vật thủy sản tập trung thuộc các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì... và 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi vùng nuôi trồng thủy sản chọn 05 hộ nuôi để lấy mẫu.

- Phương pháp lấy mẫu: Lấy mẫu ngẫu nhiên.

- Tần suất thu mẫu: 10 lần/năm.

2. Điều tra ổ dịch và xử dịch bệnh

[...]