Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2020 về phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2021

Số hiệu 247/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2020
Ngày có hiệu lực 24/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021

Năm 2020, tình hình dịch bệnh trên Thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng tại các khu vực trên toàn cầu, nhất là Mỹ, các nước Châu Âu và Châu Á. Tại Việt Nam, đã ghi nhận trên 1.400 trường hợp mắc và 35 trường hợp tử vong do dịch bệnh COVID-19, bên cạnh đó các dịch bệnh lưu hành như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại... tiếp tục ghi nhận và có số mắc cao ở 63/63 tỉnh, Thành phố.

Tại Hà Nội, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện từ đầu tháng 3 và đến nay đã ghi nhận trên 170 trường hợp mắc, chưa có tử vong; các dịch bệnh lưu hành khác như sốt xuất huyết, sởi đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng có nguy cơ tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hà Nội là Thành phố lớn, là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, với dân số đông, mật độ dân số cao, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp nên ngoài việc đối mặt với dịch bệnh xâm nhập như COVID-19, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng.... thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch trên địa bàn Thành phố nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2021 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% UBND các cấp từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế của địa phương.

- 100% UBND xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, tổ COVID cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy khi có ổ dịch sốt xuất huyết, nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- 100% các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

- 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh từ Thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh vào chiều thứ sáu hàng tuần.

- Phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý kịp thời nhằm giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi đặc biệt là COV1D-19, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội.

- Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

- 100% các trường hợp về từ vùng dịch COVID-19 được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định và được tổ chức giám sát, theo dõi sức khỏe chặt chẽ trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, đặc biệt là xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 và các trường hợp thuộc diện phải xét nghiệm theo quy định (người về từ vùng dịch, người tiếp xúc với người bệnh mắc COVID-19...).

- Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

- Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.

- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo của địa phương, đơn vị nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2021 trên địa bàn phù hợp với các nội dung ngành y tế triển khai, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/12/2020 (qua Sở Y tế để tổng hợp). Kế hoạch phòng chống dịch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị; đề ra được các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp.

2. Công tác tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.

[...]