Kế hoạch 245/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023

Số hiệu 245/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2022
Ngày có hiệu lực 08/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2023

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình chăn nuôi

Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2022 có xu hướng giảm về số lượng đàn trâu, đàn gia cầm; tổng đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ do công tác tái đàn được đẩy mạnh, dịch bệnh được kiểm soát.

Tổng đàn trâu toàn tỉnh giảm do hiệu quả kinh tế không cao và môi trường chăn thả bị thu hẹp, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Ước tính số lượng trâu hiện có 63.016 con, giảm 1,25% (-800 con) so với cùng kỳ năm trước; trong 11 tháng đầu năm số con xuất chuồng ước đạt 17.696 con, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất chuồng ước đạt 5.193 tấn, giảm 4,0% so với cùng kỳ.

Tổng đàn bò: ước tính số lượng có 28.386 con, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ có hiệu quả được người dân quan tâm đầu tư; số con xuất chuồng ước 5.766 con, tăng 4,0% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.455 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn: ước tính số lượng hiện có 179.530 con, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng chủ động, các cơ sở chăn nuôi tiếp tục duy trì thường xuyên công tác tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển. Tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Số con xuất chuồng trong 11 tháng ước 321.108 con, tăng 20,4% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 25.083 tấn, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn gia cầm: ước tính số lượng đầu con hiện có là 4.410 nghìn con, giảm 1,63% so với cùng kỳ. Do đàn lợn cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm quy mô lớn đang được đầu tư phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc và Đình Lập. Số gà xuất chuồng ước đạt 6.004,35 nghìn con, tăng 0,99% (+58,68 nghìn con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 13.812,05 tấn, tăng 1,0% (+136,78 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Số vịt, ngan, ngỗng xuất chuồng đạt 1.077,23 nghìn con, giảm 1,91% (- 21,02 nghìn con) so với cùng kỳ, tương đương sản lượng 2.219,28 tấn.

2. Nuôi trồng thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.278 ha, giảm 0,62% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.125 tấn, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 225 tấn, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác cá là 156 tấn, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng chủ yếu là cá các loại do thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa. Số lượng cá lồng đạt 567 lồng, tăng 0,53% so với cùng kỳ. Cung ứng khoản 961.600 con cá giống các loại (trắm, chép, mè, trôi, chim, trê, vược…).

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH, NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH

1. Tình hình dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có xảy ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), bệnh Dại trên đàn chó, Lở mồm long móng gia súc (LMLM) và một số bệnh địa phương xảy ra lẻ tẻ, rải rác nhưng không phát thành dịch như Tụ huyết trùng, Tiên mao trùng…;

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): từ đầu năm đến nay (30/11/2022) dịch xảy ra trên địa bàn 673 hộ/237 thôn/75 xã/09 huyện, tổng số lợn chết, buộc phải tiêu hủy là: 2.721 con với tổng trọng lượng 130.254 kg (2.341 con lợn thịt, lợn con với tổng trọng lượng 82.513 kg; 380 con lợn nái, lợn đực với tổng trọng lượng 47.741 kg). Đến nay trên địa bàn tỉnh có 73/75 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh DTLCP.

- Bệnh Dại: xảy ra tại 04 hộ/04 thôn/03 xã/03 huyện, thành phố (xã Nam Quan huyện Lộc Bình ngày 11/2/2022 và 17/10/2022; xã Tân Mỹ huyện Văn Lãng ngày 22/4/2022; xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn ngày 24/9/2022), Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố có dịch triển khai các biện pháp phòng bệnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bệnh LMLM: xảy ra tại 04 hộ/01 thôn/01 xã Minh Tiến/01 huyện Hữu Lũng (ngày 20/4/2022) tổng số trâu mắc bệnh là 16 con trâu, sau khi triển khai các biện pháp chống dịch (tiêm phòng bao vây, tiêu độc khử trùng…) số gia súc đã được chữa khỏi triệu chứng và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.

- Tình hình dịch bệnh thủy sản: không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Nguyên nhân phát sinh

Đánh giá chung: nguyên nhân phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm chủ yếu là do virus còn tồn lưu cữu trong môi trường không được xử lý triệt để; hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch động vật; các hộ chăn nuôi không áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cụ thể:

- Bệnh dịch tả lợn Châu Phi: nguyên nhân bệnh vẫn xảy ra rải rác là do vi rút tồn lưu cữu trong môi trường thời gian dài, đường lây truyền bệnh đa dạng khó kiểm soát. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn chủ yếu là nhỏ lẻ, mua con giống không rõ nguồn gốc, các hộ chăn nuôi không áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

- Bệnh Dại trên đàn chó, mèo: do người nuôi chó, mèo (đặc biệt tại các thôn vùng sâu, vùng xa) không chấp hành khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về công tác tiêm phòng vắc xin dại (tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, khoảng 30% tổng đàn).

- Bệnh LMLM xảy ra tại ổ dịch cũ vi rút vẫn còn tồn lưu trong môi trường khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng vật nuôi kém, gia súc hết thời gian miễn dịch) phát sinh dịch.

3. Nhận định: năm 2023, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn có nhiều diễn biến khó lường; chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình hình thời tiết biến động thất thường do biến đổi khí hậu, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng một số nơi còn thấp nên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.

4. Hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi năm 2022

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, ý thức phòng chống dịch bệnh của một số hộ chăn nuôi chưa cao, mua con giống về tái đàn không rõ nguồn gốc xuất xứ; công tác chống dịch chưa được triển khai triệt để, còn có nhiều ổ dịch tái bùng phát sau khi qua 21 ngày (do mầm bệnh chưa được tiêu diệt triệt để thông qua công tác tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng…);

[...]