Kế hoạch 2432/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020

Số hiệu 2432/KH-UBND
Ngày ban hành 03/09/2013
Ngày có hiệu lực 03/09/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Hoàng Anh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2432/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 03 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Căn cứ Quyết định số 1871/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

- Nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo, các cơ quan có liên quan trong việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội, gắn kết giữa cung và cầu về nhân lực, hướng công tác đào tạo vào việc thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển nhân lực ở các ngành, các cấp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng theo hướng: Chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực, đảm bảo yêu cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa của tỉnh và góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của cả nước. Phát triển nhanh nhân lực trong những ngành, lĩnh vực mà tỉnh Cao Bằng có lợi thế so sánh. Đồng thời, nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực của tỉnh, từng bước hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn Quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 30,8% năm 2013 lên mức 34% năm 2015. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nông - lâm - ngư nghiệp 15,53%; ngành công nghiệp - xây dựng 5,6%; ngành dịch vụ 12,87%.

- Đến năm 2020: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 34% năm 2015 lên mức 50% năm 2020. Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nông - lâm - ngư nghiệp 21%; ngành công nghiệp - xây dựng 9%; ngành dịch vụ 20%.

- Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực. Đồng thời, tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực mà tỉnh Cao Bằng có lợi thế cạnh tranh.

- Quan tâm, xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để góp phần đào tạo nhân lực có trình độ cho tỉnh.

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1- Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt. Các sở, ngành và các huyện, thành phố, tiến hành cụ thể hóa thành kế hoạch đào tạo phát triển nhân lực hàng năm, 5 năm của đơn vị để triển khai thực hiện công tác đào tạo, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

2- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2010 - 2015; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015 và Chính sách trợ cấp kinh phí đào tạo.

3- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về học nghề; thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng hàng năm về công tác đào tạo, hiệu quả học nghề, trong đó có thông tin về dạy nghề theo nhu cầu xã hội.

4- Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020 định kỳ 6 tháng, hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện thường xuyên rà soát để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nhân lực và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội

- Tổ chức phổ biến sâu rộng nội dung Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020 tới các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố. Tăng cường thông tin tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, mọi người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về vị trí, vai trò đóng góp của nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất có tay nghề, kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức xã hội, thay đổi quan điểm, hành động và tâm lý xã hội trong lựa chọn nghề nghiệp, đảm bảo nhân lực của tỉnh phát triển hài hoà, cân đối, đáp ứng các nhu cầu của xã hội.

- Đăng tải trên các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đến phát triển nhân lực

Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức rõ và xác định đào tạo, phát triển nhân lực vừa là chiến lược lâu dài, vừa là biện pháp trước mắt đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa của tỉnh và góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của cả nước.

3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đầu tư và công cụ khuyến khích thúc đẩy phát triển nhân lực

- Tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách và đơn giản hoá thủ tục hành chính, đổi mới phương thức lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào giáo dục và đào tạo), tạo môi trường thu hút nhân lực và thúc đẩy phát triển nhân lực của tỉnh.

[...]