Kế hoạch 2409/KH-UBND năm 2024 khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) qua kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2409/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2024
Ngày có hiệu lực 28/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hồng Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2409/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC CÁC TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG THỰC HIỆN NHIÊM VU CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH (IUU) QUA KẾT QUẢ KIỂM TRA CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT RÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Trong các ngày 28 và 29/5/2024, Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU cùng các cơ quan của Bộ[1] đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sau đợt kiểm tra tại Việt Nam lần thứ 4 (tháng 10/2023) thuộc trách nhiệm địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[2], Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Qua kiểm tra, bên cạnh việc ghi nhận một số kết quả, chuyển biến của tỉnh về rà soát, thống kê, nắm bắt số lượng tàu cá tại địa phương; ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại Cảng cá Phan Thiết thì Đoàn kiểm tra cũng đã nhận xét kết quả thực hiện chưa đồng bộ, nhiều tồn tại, thiếu sót, chậm khắc phục, đặc biệt là tại Cảng cá La Gi.

Nhằm thực hiện các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua đợt kiểm tra tại tỉnh Bình Thuận[3], Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, thiếu sót với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định nhiệm vụ, công việc, thời hạn, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải quán triệt sâu kỹ chỉ đạo của Ban Bí thư[4], Chính phủ[5], Thủ tướng Chính phủ[6] về chống khai thác hải sản IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu gắn với phát triển bền vững ngành thủy sản; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt, với tinh thần "nói thật, làm thật, có kết quả thật" và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách tại Kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, đặc biệt là thời gian từ nay đến tháng 10/2024 (thời điểm Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5).

Gồm 04 nhóm công việc như sau:

(1) Lập danh sách tàu cá có yếu tố nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài[7] và triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, giám sát từ trên bờ, xuất bến đi biển, hoạt động trên biển, cập bến cảng ngoài tỉnh để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

(2) Thực hiện ngay việc phổ biến, tuyên truyền quy định truy cứu trách nhiệm hình sự chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài bị nước ngoài theo Nghị quyết số 04/2024/NQ- HĐTP ngày 12/4//2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

(3) Tổ chức theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình; phát hiện, cảnh báo, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.

(4) Quản lý, giám sát chặt chẽ các thuyền trưởng, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, thả về, không để tái phạm; điều tra, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và các trường hợp tàu cá gửi, mang hộ thiết bị VMS cho tàu cá khác; tiến hành điều tra, mời làm việc nhóm tàu cá hoạt động vùng khơi để mất kết nối VMS liên tục theo chu kỳ, lập đi lập lại nhiều lần để răn đe và bổ sung nhóm đối tượng này vào diện theo dõi đặc biệt.

2. Khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quản lý đội tàu và công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển:

Gồm 07 nhóm công việc như sau:

(1) Rà soát, thống kê chính xác, công bố danh sách và tổ chức thực hiện đăng ký cho tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, cho tặng chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hoàn thành chậm nhất ngày 15/9/2024. Quản lý chặt chẽ, không để phát sinh tàu cá “03 không” trên địa bàn tỉnh.

(2) Rà soát, thông báo danh sách tàu cá hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đến từng chủ tàu để thực hiện đúng quy định, hoàn thành chậm nhất ngày 30/6/2024.

(3) Tổng kiểm tra toàn bộ tàu cá đang hoạt động toàn tỉnh, đảm bảo thực hiện việc kẻ số đăng ký, đánh dấu tàu cá, trang bị hệ thống đèn hàng hải trên tàu cá đúng quy định, hoàn thành chậm nhất trong tháng 8/2024.

(4) Kiểm soát, quản lý việc mua bán, chuyển nhượng tàu cá đúng quy định pháp luật; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

(5) Tổ chức trực ban 24/7 tại Trung tâm giám sát tàu cá, giám sát 100% tàu cá lắp đặt VMS hoạt động vùng khơi; phát hiện, cảnh báo kịp thời các tàu cá hoạt động gần đường ranh giới và xử lý đúng quy trình, quy định đối với tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển. Theo dõi, quản lý chặt chẽ 11 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên ngừng hoạt động, chưa lắp đặt thiết bị VMS[8], định kỳ hàng tuần cập nhật vị trí tàu đang neo đậu (có hình ảnh minh chứng) gửi về Chi cục Thủy sản để tổng hợp.

(6) Lập danh sách các tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi UBND cấp xã, UBND cấp huyện và Bộ đội biên phòng quản lý, giám sát; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cảng cá, bến bãi bốc dỡ sản phẩm khai thác; kiên quyết không cho tàu cá không đảm bảo điều kiện hành nghề (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, giám sát hành trình, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm,…) xuất bến, rời cảng đi hoạt động trên biển.

(7) Cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá Bình Thuận hoạt động ngoài tỉnh, cung cấp kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng các tỉnh phối hợp kiểm soát, giám sát khi nhập bến, xuất bến; thực hiện tốt quy chế phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển (Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư) để hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát, giám sát tàu cá Bình Thuận hoạt động trên biển, nhất là nhóm tàu cá nguy cơ cao (hoạt động sai vùng, mất kết nối trên vùng biển giáp ranh, vượt ranh giới cho phép trên biển,…), xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

3. Khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong kiểm soát, chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại cảng cá, bến cá và xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác:

Gồm 05 nhóm công việc như sau:

(1) Kiện toàn Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá, đảm bảo nhân lực (Thanh tra chuyên ngành, Kiểm ngư, Biên phòng, Ban quản lý cảng cá); tổ chức trực ban nghiêm túc, đảm bảo kiểm tra, kiểm soát 100% theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đối với tàu cá ra, vào cảng cá[9]; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm IUU tại cảng cá.

(2) Chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc thống kê tàu cá ra vào cảng, thu nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng lên bến tại các cảng cá (ghi đầy đủ, cụ thể tên loài trong hồ sơ giám sát), đặc biệt khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém tại Cảng cá La Gi.

(3) Lập kế hoạch, bố trí các nguồn lực cần thiết (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) khẩn trương triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) đảm bảo việc thực hiện cấp xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác qua hệ thống eCDT theo khuyến nghị của EC.

[...]