Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác Y tế trường học năm học 2023-2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 240/KH-UBND
Ngày ban hành 28/09/2023
Ngày có hiệu lực 28/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC 2023 - 2024 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2030; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học; Thông tư số 33/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Công văn số 4557/BGDĐT-GDTC ngày 24/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2023-2024; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 16/4/2018 của UBND Thành phố triển khai Kế hoạch số 73-KH/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố về phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 06/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ Đô, Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai Kế hoạch công tác Y tế trường học năm học 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về công tác Y tế trường học tại các cấp quận huyện, xã, phường, trường học.

2. Củng cố nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học.

3. Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tai nạn thương tích và dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho học sinh.

4. Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, dinh dưỡng và vận động hợp lý, giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.

5. Tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và mở rộng mô hình để hướng tới mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030 tại Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội.

6. Tăng cường công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

7. Đẩy mạnh công tác tham gia Bảo hiểm Y tế của học sinh.

8. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGĐ&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 13).

II. CHỈ TIÊU

1. 100% trường học và các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh. 100% quận, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học.

2. 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; phấn đấu 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế trường học hoặc có nhân viên y tế trình độ từ y sỹ trung cấp trở lên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13 và được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 100% các trường hợp bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, các trường hợp dịch bệnh... tại trường được sơ cấp cứu, xử lý kịp thời.

3. 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm. 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.

4. 100% trường học được thường xuyên khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; 100% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; đảm bảo điều kiện vệ sinh học đường (bàn ghế, ánh sáng, bảng, bục giảng v.v), đảm bảo trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích và các điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh tại các trường học;

5. 100% quận, huyện, thị xã triển khai mô hình điểm về truyền thông, giám sát, phát hiện, can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong trường học; tổ chức góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản, tai nạn thương tích (ngã từ trên cao, hóc dị vật đường thở, đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật, cháy nổ và kỹ năng thoát khỏi đám cháy...), sức khỏe tâm thần... và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe học sinh trong trường học. 100% trường học tổ chức truyền thông các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh; 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức truyền thông giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia ... cho học sinh (hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến).

6. Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường các cấp đặc biệt là khối mầm non, tiểu học; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các cơ sở giáo dục. Phấn đấu 70% các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. Thực hiện mô hình điểm phòng chống thừa cân béo phì tại trường học, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình để tiến tới khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh trên địa bàn Thành phố.

7. 100% các trường học chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học; phối hợp với y tế địa phương xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch. 100% ổ dịch đặc biệt ổ dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi, tái nổi trong trường học được giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh lớn. 100% các trường học phối hợp triển khai về tiêm chủng vắc xin trong các đợt chiến dịch trên địa bàn.

8. Phấn đấu 100% học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế.

9. 100% các trường, cơ sở giáo dục được kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp; các trường học kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định.

2. Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học. Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế học đường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học.

3. Đảm bảo cơ sở hạ tầng, phòng y tế, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn... và các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát hiện, sơ cấp cứu, xử trí kịp thời các trường hợp bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp dịch bệnh khác trong trường học.

4. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn: Phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch, nước uống và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt chú ý đảm bảo các điều kiện tạo môi trường an toàn trong trường học (bàn ghế, đủ ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo cho phòng học, bảng, bục giảng, lan can hành lang và lan can cầu thang đủ cao tránh trượt ngã, rà soát các công trình, thiết bị trong trường học có góc nhọn dễ gây thương tích cho học sinh để loại bỏ hoặc có biện pháp hạn chế va đập, chống trơn trượt tại nền các nhà vệ sinh trong trường học, an toàn bể bơi, sân chơi trong trường, an toàn điện, phòng chống cháy nổ...)

5. Triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học: khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, nha học đường, phòng chống các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống..., thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường, khám theo chuyên khoa và thông báo kết quả cho người được khám.

[...]