Kế hoạch 2298/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng công an nhân dân, giai đoạn 2021-2027” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2298/KH-UBND
Ngày ban hành 27/06/2023
Ngày có hiệu lực 27/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2298/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 27 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GẮN VỚI VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TẠI CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN, GIAI ĐOẠN 2021-2027” NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng công an nhân dân, giai đoạn 2021 - 2027 (gọi tắt là Đề án), Quyết định số 812/QĐ-BCA-V03 ngày 20/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án, tạo nền tảng vững chắc để triển khai các nhiệm vụ của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng công an tiếp tục đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả.

- Tổ chức triển khai đúng quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án sát với yêu cầu của công tác vận động quần chúng, bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của các nhóm đối tượng, tình hình thực tiễn tại các địa bàn, lĩnh vực và yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với các tình huống phát sinh trong thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội trên Internet; phối hợp chặt chẽ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; bảo đảm thường xuyên cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ, chính xác cho Nhân dân.

- Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Các nội dung đề ra phải đảm bảo tính khả thi để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực; chú trọng lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI

1. Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tại các thời điểm khác nhau.

Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đặc điểm, tình hình khác có liên quan; từ đó, xác định thông tin nhu cầu pháp luật của đối tượng, địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý để xác định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp và lựa chọn các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng trọng tâm, trọng điểm hoặc còn tồn tại điểm nghẽn lớn để ưu tiên thực hiện, tạo bước đột phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân tại địa bàn cơ sở.

- Đơn vị chủ trì: Công an tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2023.

2. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời điểm, địa bàn, lĩnh vực.

2.1. Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp.

Ngoài các nội dung phổ biến thường xuyên theo lĩnh vực, địa bàn, cần tập trung vào các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân, các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến an ninh trật tự như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở , Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...; ý thức tôn trọng, bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; những tấm gương vươn lên sau lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Lựa chọn, áp dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, lĩnh vực; trong đó, cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức thông qua phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin, cấp phát tài liệu thiết yếu với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Chú trọng đến đa dạng hóa hoạt động truyền thông chính sách pháp luật trước, trong và sau khi văn bản được ban hành bằng các phương thức truyền thông mới, hiệu quả.

- Đơn vị chủ trì: Công an tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2023.

2.2. Tăng cường tổ chức giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt với những đối tượng yếu thế và đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.

- Đơn vị chủ trì: Công an tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2023.

3. Xây dựng, học tập và nhân rộng các mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án.

[...]