Kế hoạch 227/KH-UBND năm 2023 phối hợp thực hiện Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 227/KH-UBND |
Ngày ban hành | 08/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 08/09/2023 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Trọng Đông |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 227/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT CÁC CƠ SỞ CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-BTNMT ngày 28/3/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
- Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề (sau đây viết tắt là cơ sở) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt, sự cố gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của Nhân dân.
- Chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo, kịp thời ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường. Tập trung giám sát đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm kéo dài, đảm bảo các cơ sở hoạt động an toàn về môi trường.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giải quyết các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, góp phần minh bạch hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài, đảm bảo các cơ sở hoạt động an toàn về môi trường. Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường để nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG
1. Phối hợp thực hiện quản lý, kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp kiểm tra, khảo sát thực tế công tác bảo vệ môi trường của cơ sở:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát hoặc kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thuộc thẩm quyền quản lý môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ các cơ sở tuân thủ tốt về môi trường, không có phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường và các cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường) trên địa bàn Thành phố;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công thương và các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát hoặc kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp. Cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các làng nghề thuộc danh mục làng nghề ô nhiễm môi trường tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp phòng ngừa, kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận/huyện/thị xã và các đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia Tổ giám sát do Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập (khi có yêu cầu), tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xảy ra các sự cố môi trường, các cơ sở bị người dân và báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận/huyện/thị xã và các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường.
2. Tăng cường giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của UBND Thành phố:
- Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư đúng, đầy đủ công trình xử lý chất thải theo quy định; các cơ sở có lưu lượng xả nước thải từ 200m3/ngày (24 giờ) trở lên; các cơ sở xử lý rác thải, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề;...
- Đối với các cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để: Căn cứ vào quy mô, loại hình hoạt động của cơ sở đưa vào Kế hoạch thanh tra thường xuyên (03 năm liên tiếp) theo quy định tại khoản 2, Điều 162 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.