Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 226/KH-UBND năm 2023 về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 226/KH-UBND
Ngày ban hành 22/08/2023
Ngày có hiệu lực 22/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 226/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây liên tục tăng nhanh (Năm 2020: 303.780 tấn; Năm 2021: 335.800 tấn; Năm 2022: 346.850 tấn). Mặc dù khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh lại có chiều hướng giảm dần. Qua số liệu điều tra thống kê năm 2022 cho thấy, khối lượng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 45.013 tấn; năm 2021 khoảng 42.030 tấn và năm 2022 giảm xuống chỉ còn còn 40.490 tấn (trung bình giảm mỗi năm khoảng hơn 2.000 tấn chất thải nhựa). Thành phần rác thải nhựa chủ yếu là túi ni-lông, chai nhựa, ống hút và hộp xốp đựng thực phẩm,

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, đảm bảo giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

- Tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm thực hiện mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương và Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị sô 12/CT- UBND ngày 14 tháng 10 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...

- Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

b) Phấn đấu đến năm 2026: Không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), sử dụng 100% túi đựng, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh; 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

c) Phấn đấu đến năm 2031: Dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa

- Tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa để hạn chế việc sử dụng và thải ra môi trường. Khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; Các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy tại địa phương.

- Vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa một lần và túi ni lon khó phân hủy chuyển sang sản xuất và phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học... Đưa phong trào phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, buổi sinh hoạt tại các khu dân cư, tổ chức chính trị...

- Thực hiện tuyên truyền thông qua các hình thức phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Lồng ghép phát động chủ đề về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy; thu gom rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy vào các chiến dịch tuyên truyền kỷ niệm sự kiện về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...

- Đăng tải các hình ảnh, các nội dung liên quan về tác hại của rác thải nhựa, biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, xây dựng các đoạn video mang thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa phát trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh.

2. Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa

- Tập trung đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực để tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý đảm bảo đến 2025 tỷ lệ thu gom đạt 97% đối với khu vực đô thị và 80% đối với khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thường xuyên các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn trong việc thực hiện về tần suất thu gom, địa điểm đổ thải theo quy hoạch và quy trình xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Chỉ đạo Sở chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định; tổ chức ra quân xóa các đống rác, bãi rác tự phát không đúng nơi quy định, kiên quyết xử lý tình trạng vứt rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch tại địa phương và cộng đồng dân cư tối thiểu hàng tháng.

- Cán bộ công chức, viên chức cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn,...); ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

- Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, trường học, bệnh viện, khu kinh doanh, dịch vụ, khu vực sản xuất, hộ gia đình... bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.

[...]