Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025

Số hiệu 223/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2020
Ngày có hiệu lực 25/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 25 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn mới phát sinh ngoài khả năng dự báo, nhưng với sự nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành theo hướng ngày càng năng động của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn Tỉnh nên việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch 05 năm có sự chuyển biến mạnh mẽ, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Tình hình kinh tế có bước phát triển khá toàn diện, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, ước năm 2020 đạt gần 87.300 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, xếp vào hàng khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 05 năm (2016 - 2020) ước đạt 6,44%/năm (theo giá so sánh năm 2010), đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP)(1) trong GRDP khoảng 21,27%.

Đến cuối năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), gấp 1,55 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực 2 và khu vực 3. Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, thay đổi cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng (trong đó, khu vực thành thị là 51 triệu đồng, khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng), hình ảnh địa phương được cải thiện đáng kể.

So với kế hoạch, ước tính cuối năm 2020, có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch - đính kèm Phụ lục I.

II. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU

1. Về kinh tế

1.1. Kết quả đạt được

a) Kinh tế nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, đời sống người dân khu vực nông thôn có nhiều cải thiện

Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng bình quân hằng năm 3,57%, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và Nhân dân tự quản được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”. Nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chế biến gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh(2), nhất là Xoài Cao Lãnh đạt các quy chuẩn xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, mở ra thêm nhiều cơ hội để phát triển thành ngành hàng mang tầm chiến lược. Ngành hàng hoa kiểng kết hợp với du lịch đạt kết quả tốt, nâng cao giá trị và ổn định vùng sản xuất với trên 2.900 ha. Ngành hàng cá tra phát triển theo hướng sản xuất thâm canh, gắn kết với hơn 20 doanh nghiệp chế biến theo hướng đạt chuẩn BAP, GlobalGAP, ASC, VietGAP phục vụ xuất khẩu.

Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trạm bơm và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Các cơ chế, chính sách tích tụ tập trung đất đai, hỗ trợ cơ giới hóa và cho vay phát triển các ngành hàng tiềm năng; thí điểm hỗ trợ 60 lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đã tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp được thụ hưởng và mở rộng sản xuất.

Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng (bằng 83% GRDP bình quân đầu người). Cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị (lúa, cá tra, trái cây, hoa kiểng, rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi). Khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ vào sản xuất cũng như triển khai nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%, kết hợp với chủ trương xả lũ cải tạo đất ruộng, giúp tăng năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha mỗi năm, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp ngày càng gia tăng thông qua chuyển đổi canh tác lúa sang cây ăn trái, rau màu, thuỷ sản(3) và triển khai các mô hình luân canh: “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”. Ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp canh tác mới được chú trọng và mang tính khả thi tại các địa phương như: Ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tể trong chăn nuôi; công nghệ tự động “1 chạm - 5 biết” kết hợp với sử dụng phân bón thông minh, bẩy đèn thông minh; mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái phục vụ canh tác lúa thông minh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponisc; giải pháp cấy mô trên hoa kiểng, sản xuất rau màu trong nhà lưới. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”...

Tỉnh chú trọng thúc đẩy “tinh thần hợp tác” trong nông dân, có 100 mô hình Hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đã có 22 hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành từ nền tảng mô hình này. Đây là mô hình tiêu biểu được Hội đồng lý luận Trung ương chọn làm đề tài “tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán” để nhân rộng cả nước. Toàn Tỉnh có 168 HTX nông nghiệp đang hoạt động ổn định, trong đó có 09 HTX(4) được chọn tham gia thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả vượt bậc theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 98/117 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 84%) 05/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM(5), vượt 03 huyện so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh. Các địa phương đã duy trì và phát triển nhiều mô hình hay, gắn kết cộng đồng như mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới theo phương châm “3 tự - 1 nhờ”, mô hình Hội quán, mô hình nhà nước cấp vật tư, mô hình Sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng NTM; mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh; mô hình “Làng mới Hàn Quốc” do Tổ chức SGF và Văn phòng Điều phối NTM Trung ương hỗ trợ tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, giúp phát huy nội lực của cộng đồng, thu hút sự tham gia, đóng góp tích cực của người dân, các tổ chức xã hội, nhà tài trợ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi dần diện mạo nông thôn.

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã có 70 sản phẩm OCOP của 30 chủ thể đạt từ 3 - 4 sao(6), là một trong ba Tỉnh đứng cầu cả nước có sản phẩm đạt OCOP (sau Quảng Ninh và Quảng Nam) và được chọn 03 mô hình để triển khai chỉ đạo điểm về OCOP (sản phẩm từ xoài huyện Cao Lãnh, sản phẩm từ sen huyện Tháp Mười và dự án phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Đéc, thành phố Sa Đéc).

b) Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển khá, bảo đảm vai trò đầu ra và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Sản xuất công nghiệp duy trì và phát triển khá tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, nâng dần tỷ lệ tinh chế, nhiều sản phẩm mới được nghiên cứu phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Công nghiệp chế biến chiếm trên 98% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành, tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong gắn kết sản xuất và tiêu thụ, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng nông sản (cá tra, sen,...)(7), ngành chế biến thuỷ sản và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trưởng tốt, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của Tỉnh. Một số dự án quy mô lớn được triển khai, gia tăng thêm năng lực sản xuất công nghiệp như: Dự án giày da của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong; dự án thức ăn chăn nuôi của Công ty Mavin Austfeed; dự án sản xuất Bia - Nhà máy Bao bì Sabeco - Đồng Tháp của Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây; Nhà máy Collagen Vĩnh Hoàn; Nhà máy thức ăn thuỷ sản Sao Mai Super Feed. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp ước tăng bình quân 8,21%/năm, chưa đạt theo kế hoạch(8).

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất và phát triển nguồn lực được quan tâm thực hiện, thông qua các chính sách về khuyến công, đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, đề án hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững với tổng số tiền hỗ trợ gần 36 tỷ đồng(9). Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm phát triển, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân(10), chất lượng và mẫu mã sản phẩm có nhiều cải tiến, nhãn hiệu được quan tâm đầu tư, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia(11).

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư hoàn thiện dần, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư(12). Tỷ lệ lấp đầy phần diện tích đất khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Dinh Bà là 40,6%, Thường Phước là 9,9%; 03 khu công nghiệp (KCN) có tỷ lệ lấp đầy hơn 98% 12 cụm công nghiệp (CCN) có tỷ lệ lấp đầy 76%. Đồng thời, Tỉnh đang triển khai xây dựng mới khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười (quy mô 150 ha); hoàn chỉnh các thủ tục, phương án quy hoạch để thành lập KCN Ba Sao và KCN Trần Quốc Toản mở rộng, đầu tư một số CCN mới(13) để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.

c) Thương mại - dịch vụ phát triển năng động, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tăng trưởng bình quân 7,9%/năm. Hệ thống phân phối hàng hoá nội tỉnh ngày càng đa dạng với chuỗi các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp được hình thành và phát triển rộng khắp(14), trong đó, đã phát triển mới trung tâm thương mại ở các đô thị thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và tiện ích cho người tiêu dùng, thúc đẩy văn minh thương mại, nâng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 107.000 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm. Hoạt động giao thương với các tỉnh, thành trong và ngoài nước được mở rộng, các sản phẩm nông sản, nông sản qua chế biến, mặt hàng tiểu thủ công nghiệp(15) được kết nối và phân phối vào các hệ thống bán lẻ lớn trong cả nước như: Hệ thống siêu thị Co.op Mart, VinMart, Big C, VinafoodMart... Đồng thời, Tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội.

Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu hàng hoá năm 2020 ước đạt trên 1,15 tỷ USD, tăng bình quân 8,22%/năm, góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản chế biến, lúa gạo theo hướng toàn cầu hoá; nhiều sản phẩm trái cây (nhãn, xoài,...) đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường nhập khẩu, mở ra thêm cơ hội hội nhập quốc tế của nông dân Đồng Tháp. Hoạt động nhập khẩu được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu về nguyên, vật liệu sản xuất, các mặt hàng tiêu dùng cho đời sống thiết yếu(16).

Các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tác động thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân tiếp tục phát triển đa dạng và đồng bộ, trong đó hoạt động bưu chính, viễn thông có nhiều đổi mới, đặc biệt thực hiện tốt dịch vụ giao nhận thủ tục hành chính đến tận nhà người dân.

[...]