Kế hoạch 2204/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2204/KH-UBND
Ngày ban hành 16/04/2021
Ngày có hiệu lực 16/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2204/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP Y TẾ, DÂN SỐ TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Nhằm phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2012 - 2020 (viết tắt là Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND); tiếp tục triển khai thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế, Dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 47/2012/NQ-HĐND

1. Củng cố kiện toàn hệ thống y tế công lập: hệ thống y tế công lập được sắp xếp tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế. Tuyến tỉnh, huyện từ 55 đơn vị sự nghiệp còn 33 đơn vị (giảm 22 đơn vị, giảm 34 tổ chức bên trong); còn 241 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (viết tắt là Trạm Y tế xã).

2. Phát triển hệ thống y tế tư nhân: tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 07 Bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 1.140 giường bệnh (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2012); 187 Phòng khám chuyên khoa, 18 Phòng khám đa khoa (tăng 2,3 lần so với năm 2012); 1.097 cơ sở hành nghề tân dược (tăng gấp 20 lần so với năm 2012); 17 cơ sở hành nghề dược cổ truyền; 10 Công ty và chi nhánh Công ty dược - vật tư y tế trên địa bàn tỉnh (tăng hơn 3 lần so với năm 2012).

3. Phát triển nhân lực y tế: nhân lực y tế toàn tỉnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến năm 2020, nhân lực y tế toàn tỉnh là 9.803 người, đạt 53,6 nhân lực y tế/10.000 dân; 11,2 Bác sĩ /10.000 dân; 1,68 Dược sĩ đại học/vạn dân, vượt mục tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 47/2012/NQ- HĐND (52 nhân lực y tế/10.000 dân, 8 Bác sĩ/vạn dân và 1,5 Dược sĩ đại học/vạn dân). Chất lượng cán bộ y tế được nâng cao, trình độ cán bộ y tế có chuyên môn đại học, sau đại học ngày càng nhiều; bên cạnh đó, Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 đã góp phần đáng kể nâng cao năng lực cán bộ y tế.

4. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô giường bệnh: đối với tuyến tỉnh, có 27 dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa 09 Bệnh viện tuyến tỉnh, 05 Trung tâm chuyên ngành tuyến tỉnh, 01 Trạm Cấp cứu 115. Tuyến huyện, có 15 dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa 09 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là Trung tâm Y tế huyện) và 01 Bệnh viện. Tuyến xã, có 06 Phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư xây mới, nâng cấp; 111 Trạm Y tế xã được xây mới, 64 Trạm Y tế xã được sửa chữa, nâng cấp.

5. Cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng đảm bảo môi trường y tế: tính đến năm 2020, có 10/11 cơ sở y tế tuyến tỉnh được xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng (đạt 90,9%); 18/18 đơn vị khám, chữa bệnh tuyến huyện có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoặc đã có chủ trương đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng (đạt 100%). Tuyến xã: 02/07 Phòng khám đa khoa khu vực có hệ thống xử lý chất thải lỏng.

6. Đầu tư trang thiết bị y tế: về trang thiết bị y tế cơ bản, được thay thế, bổ sung hằng năm đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn; tập trung cho các xã vùng 3 (vùng khó khăn); ngoài ra, trong những năm gần đây các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, nhất là 03 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh đã được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao như: máy chụp cắt lớp điện toán 64 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (HT PACS), máy hồi sức tim phổi, máy ECMO, hệ thống mổ nội soi, hệ thống nội soi chẩn đoán, siêu âm chẩn đoán, máy XQ kỹ thuật số… nên từng bước nâng cao kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện.

7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế: được triển khai theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; đã áp dụng các phần mềm khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp quản lý, giám định chặt chẽ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ứng dụng các phần mềm quản lý công tác y tế dự phòng, dân số… giúp quản lý, đánh giá chặt chẽ công tác y tế dự phòng, dân số; triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân để quản lý sức khỏe toàn dân; các phần mềm quản trị bệnh viện; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý tài sản, quản lý nhân lực…; ứng dụng công nghệ thông tin từng bước đã giúp giảm các thủ tục hành chính; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh và quản lý chuyên môn, quản lý nhà nước của ngành Y tế.

8. Cải thiện các chỉ số sức khỏe cơ bản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh: tuổi thọ trung bình từ 72,4 (năm 2012) tăng lên 73,1 (năm 2020); tỷ số giới tính khi sinh ở mức ổn định (107 bé trai/100 bé gái); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 17,4‰ (năm 2012) xuống còn 15,5‰ (năm 2020); tỷ suất tử vong mẹ ở mức dưới 20/100.000 ca đẻ sống (toàn quốc là 53/100.000 ca đẻ sống); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 16% (năm 2012) xuống còn 10% (năm 2020); suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi từ 30,1% (năm 2012) xuống còn 22% (năm 2020).

9. Tình hình kinh phí thực hiện giai đoạn 2012 - 2020: trong giai đoạn 2012 - 2020, nguồn vốn đầu tư cho y tế (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA...) là 1.902,7 tỷ đồng, đạt 91,8% so với Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND đề ra (2.073,5 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách sự nghiệp y tế địa phương (bao gồm ngân sách giao y tế; chi mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số; hỗ trợ chi mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên; chi Chương trình mục tiêu quốc gia) là 6.544 tỷ, bình quân khoảng 843 tỷ đồng/năm.

10. Đánh giá chung: Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả, hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đạt được sự thành công đó là nhờ có sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, sự ủng hộ của Hội đồng nhân dân tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, đặc biệt là chính sách đầu tư công, thu hút nhân lực y tế trình độ cao (bác sĩ), hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu của tỉnh...; sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, huy động được các nguồn lực tập trung đầu tư cho y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa về y tế, sự tham gia tích cực của các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.

11. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

- Về hệ thống tổ chức: chưa kiện toàn hệ thống tổ chức theo đúng tiến độ tại Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam; cụ thể là Khoa sản Bệnh viện Phụ sản - Nhi chưa thành lập; Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An chưa phát triển lên Bệnh viện hạng II, nguyên nhân chính là do thiếu bác sĩ.

- Về nhân lực y tế: theo các quy định của Bộ Y tế về chuyên môn hiện hành, nhân lực y tế toàn ngành còn bất cập về cơ cấu, nhất là thiếu bác sĩ; dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện đào tạo chuyên sâu, ê kíp; đào tạo các chuyên ngành cơ bản (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh…) và một số lĩnh vực đặc thù (chuyên khoa Tâm thần, Giám định pháp y, chuyên ngành Lao và bệnh phổi…) thiếu ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã.

- Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị: còn một số Trạm Cấp cứu 115 chưa được đầu tư; Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chưa đạt bệnh viện hạng II; đầu tư trang thiết bị theo danh mục quy định của Bộ Y tế chưa đạt 80% danh mục từng tuyến điều trị; một số hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997 đến nay đã gần 25 năm, xuống cấp trầm trọng, công năng không còn phù hợp với việc khám, chữa bệnh hiện nay, đặc biệt là các Khu kỹ thuật, Khu khám - cấp cứu, Phòng xét nghiệm và hạ tầng kỹ thuật; các Kho bảo quản thuốc tân dược, kho bảo quản thuốc, nguyên liệu thuốc cổ truyền, Kho bảo quản vắc xin, Kho bảo quản vật tư y tế, Kho bảo quản hóa chất… của một số cơ sở y tế tỉnh, huyện chưa đạt các điều kiện về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế: hầu hết các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin và kinh phí thực hiện.

II. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Sau 09 năm thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang triết bị so với quy định, cần tiếp tục đầu tư, trang bị, đào tạo trong thời gian đến.

Dự báo về nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều vấn đề đặt ra như: nhu cầu khám, chữa bệnh tăng; bệnh truyền nhiễm còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát và quay trở lại bất cứ lúc nào; các bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tâm thần phân liệt, trầm cảm, hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính…) có xu hướng gia tăng; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi vẫn còn cao (năm 2020, tỉ lệ này là 22%); thực trạng mất an toàn thực phẩm, tử vong do ngộ độc thực phẩm cấp tính vẫn xảy ra; mô hình bệnh tật tại các Bệnh viện có xu hướng thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Về chất lượng dân số vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: tỉ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi còn cao; còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh, tật bẩm sinh; tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn thấp; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn... Từ đó, cho thấy công tác y tế dự phòng, công tác khám bệnh, chữa bệnh và công tác dân số trong thời gian đến còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới đến năm 2025, cần thiết phải ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển sự nghiệp Y tế - Dân số giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện cho giai đoạn 5 năm và hằng năm.

III. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Các chủ trương của Đảng

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ