Kế hoạch 219/KH-UBND năm 2019 về xây dựng thí điểm Chính quyền số tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 219/KH-UBND
Ngày ban hành 13/08/2019
Ngày có hiệu lực 13/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Nghĩa
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 13 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Chương trình Hợp tác chiến lược số 8088/TTHT-TIENGIANGVNPT ngày 07/4/2014 về viễn thông - công nghệ thông tin giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2020;

Căn cứ Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng thí điểm Chính quyền số tỉnh Tiền Giang như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng Chính quyền số là cơ sở cho việc triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo đồng bộ, liên thông, chia sẻ thông tin với Trung ương và các cấp, các ngành trong tỉnh thông suốt, hiệu quả và thuận lợi.

- Xây dựng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; tối ưu các hoạt động điều hành của chính quyền và chuyển đổi mô hình quản trị đô thị.

- Góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững đưa Tiền Giang trở thành địa phương tiên phong trong cả nước về chuyển đổi số.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu dùng chung; dữ liệu có thể chia sẻ để phục vụ người dân, doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành tỉnh, hỗ trợ khả năng phân tích dự báo và ra quyết định.

- Tích hợp đồng bộ, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các hệ thống thông tin, dữ liệu của Trung ương, Bộ, ngành.

- Chuyển đổi số công tác quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh dựa trên nhu cầu số hóa, cải tiến quy trình tại các sở ngành tỉnh.

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Y tế, giáo dục, môi trường,...; Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống: quan trắc môi trường, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải,... phục vụ nhu cầu thông tin người dân và doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG

1. Hệ thống thông tin Chính quyền số

a) Nâng cấp hệ thống thông tin dùng chung:

- Nâng cấp hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH): đáp ứng các tính năng theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ; tích hợp ký số vào hệ thống phần mềm QLVB&ĐH.

- Nâng cấp, mở rộng hệ thống phần mềm Một cửa điện tử, xây dựng các biểu mẫu điện tử (e-form) và dịch vụ công trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát các hệ thống thông tin.

- Trang bị hệ thống phần mềm hp không giấy (giai đoạn 1).

- Đào tạo nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về Chính quyền số.

b) Đầu tư trang thiết bị phần cứng phục vụ Chính quyền số: Đầu tư trang thiết bị CNTT tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh phục vụ triển khai các hệ thống thông tin; các thiết bị nâng cao hiệu quả hệ thống một cửa điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp và trang thiết bị phục vụ hệ thống hp không giấy.

c) Xây dựng hệ thống báo cáo đa ngành: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, báo cáo các chỉ tiêu theo yêu cầu quản lý của các ngành nhằm cung cấp thường xuyên thông tin tổng hợp phục vụ điều hành vào kho dữ liệu chung của tỉnh, phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

d) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng đa ngành: Xây dựng hệ thống Bản đồ nền làm nền tảng để số hóa hạ tầng các lớp bản đồ nghiệp vụ các ngành: lớp nghiệp vụ giao thông vận tải, lớp nghiệp vụ nông nghiệp, lớp nghiệp vụ các dự án kêu gọi đầu tư, thương mại dịch vụ,...

đ) Xây dựng hệ thống kết nối thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Tiền Giang

- Xây dựng các trạm quan trắc môi trường và thời tiết; lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường để thu thập dữ liệu về môi trường.

[...]