Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 31/NQ-HĐND về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2021
Ngày có hiệu lực 23/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 31/NQ-HĐND NGÀY 03/8/2021 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC TRONG THỜI GIAN TỚI

Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) tại Tờ trình số 301/TT-SYT ngày 18/8/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, huy động nguồn lực nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống, cấp độ dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ, kịp thời triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động ngăn chặn và phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong, sớm ổn định, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái “Bình thường mới”.

- Ngăn chặn nguy cơ, nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời nguồn lây bên trong, tổ chức nhanh chóng điều tra, truy vết các nguồn lây và tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhanh chóng khôi phục trạng thái xanh cho cộng đồng để thiết lập và duy trì Vĩnh Phúc là “Vùng Xanh”.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ngành, địa phương; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phát huy mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên nguyên tắc đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết;

- Quán triệt các cấp, các ngành, nhân dân và doanh nghiệp chấp hành tuyệt đối và triển khai khẩn trương, kịp thời các Nghị quyết, Quyết định, mệnh lệnh, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch Covid-19.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh, kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh bùng phát từ bên trong tỉnh.

- Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chốt trọng điểm; chỉ đạo công an các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở, các bến đò, bến phà để kiểm soát chặt chẽ người vào tỉnh, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch.

- Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ người đến, người đi khỏi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đảm bảo không để xảy ra mất an toàn về dịch bệnh.

- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nắm chắc di, biến động người ra vào địa phương, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch tễ, kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện, nguy cơ nhiễm để điều trị, cách ly theo quy định.

2. Đánh giá thực trạng nguy cơ, mức độ dịch bệnh COVID-19

- Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị phải tiếp tục chủ động, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh trên cả nước, trên địa bàn tỉnh và địa phương, cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là những tỉnh đang có dịch giáp ranh với Vĩnh Phúc để thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia; xác định thực trạng, nguy cơ, mức độ dịch bệnh trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Các doanh nghiệp phải tiếp tục chủ động, thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, để kịp thời xác định thực trạng nguy cơ trong từng tổ, phân xưởng sản xuất...trong từng doanh nghiệp.

- Các cơ sở y tế phải chủ động, thường xuyên đánh giá mức độ an toàn theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020, Quyết định số 4999/QĐ-BYT ngày 01/12/2020 của Bộ Y tế, để xác định thực trạng an toàn của từng cơ sở y tế.

- Thông qua kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm sàng lọc, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao để có thêm thông tin đánh giá đúng thực trạng, nguy cơ dịch bệnh.

3. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Căn cứ kết quả xác định thực trạng nguy cơ, mức độ dịch bệnh trong từng cấp chính quyền theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia; thực trạng nguy cơ trong từng tổ, phân xưởng sản xuất...trong từng doanh nghiệp theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia; thực trạng an toàn của từng cơ sở y tế. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động quyết định và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và nhân dân áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn” đối với từng khu vực, địa bàn dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Trong quá trình chỉ đạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý:

a) Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, xuyên suốt, chặt chẽ ngay từ đầu. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình dịch bệnh theo tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào các quy định chung của Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh chủ động để thực hiện các quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, thành phố trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, thông tin, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh của địa phương mình với các ngành, địa phương khác trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh để phối hợp, chỉ đạo xử lý kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể tại địa bàn.

b) Chỉ đạo, phát huy vai trò, hiệu quả của các Tổ liên gia tự quản, Tổ Covid cộng đồng trong việc thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

c) Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện đi lại, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý.

[...]