Kế hoạch 2144/KH-UBND năm 2018 thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 2144/KH-UBND
Ngày ban hành 28/05/2018
Ngày có hiệu lực 28/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2144/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 28 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Công văn số 285/UBDT-DTTS ngày 29/3/2018 của Ủy ban Dân tộc, về việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Giúp cho các Cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể nhận thức cao về vai trò, vị trí của người có uy tín và tầm quan trọng trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó có sự đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp vận động người có uy tín phù hợp, thiết thực hơn.

2. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cần phải chăm lo, trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện chính sách dân tộc; phát huy vai trò hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

3. Đảm bảo việc thực hiện các chế độ chính sách phải dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng và đúng chế độ; người có uy tín được cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc tham quan học tập.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng áp dụng:

a) Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây gọi là người có uy tín).

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quản lý và thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

2. Nguyên tắc thực hiện:

a) Người có uy tín được lựa chọn từ thôn, tổ dân phố và tương đương (gọi chung là thôn).

b) Chính sách thực hiện trực tiếp đối với người có uy tín, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng chế độ.

c) Người có uy tín do địa phương trực tiếp quản lý, phân công, phân cấp thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

d) Trường hợp người có uy tín thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ với cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.

3. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín:

a) Tiêu chí lựa chọn người có uy tín:

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;

- Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

b) Đối tượng lựa chọn

Người có uy tín được lựa chọn từ các đối tượng sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước đã nghỉ công tác;

- Già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào dân tộc thiểu số mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, thôn, làng;

[...]