Kế hoạch 21/KH-UBND về thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020
Số hiệu | 21/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/02/2020 |
Ngày có hiệu lực | 10/02/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Trương Quang Hoài Nam |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 10 tháng 02 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2020
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn tổ chức và hoạt động Thừa phát lại tại địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đảm bảo việc tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại và góp phần đưa hoạt động Thừa phát lại đi vào hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao;
b) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của Thừa phát lại; đồng thời góp phần huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố;
c) Tăng cường sự hiểu biết và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ Thừa phát lại của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thu hút Nhân dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Yêu cầu
a) Xây dựng và phát triển đội ngũ Thừa phát lại đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của xã hội;
b) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ Kế hoạch chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo phối hợp thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao;
c) Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại; bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại, đặc biệt tăng cường công tác thẩm định cho đăng ký vi bằng của các Văn phòng Thừa phát lại theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm những Thừa phát lại có hành vi vi phạm pháp luật.
II. NỘI DUNG
1. Quán triệt quan điểm, chủ trương; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại
a) Nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thẩm quyền, phạm vi thực hiện của thừa phát lại để Nhân dân, các tổ chức biết và nhận thức đúng về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề Thừa phát lại;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan và các tổ chức Thừa phát lại;
d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.
2. Thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại, cấp Thẻ Thừa phát lại và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động Thừa phát lại
a) Nội dung: Tiếp nhận và hướng dẫn thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại, cấp Thẻ Thừa phát lại và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động Thừa phát lại theo quy định;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Các tổ chức có liên quan;
d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.
3. Triển khai văn bản pháp luật về hoạt động Thừa phát lại
a) Nội dung: Tổ chức triển khai văn bản pháp luật về hoạt động Thừa phát lại;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;
d) Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.