Kế hoạch 209/KH-UBND tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024

Số hiệu 209/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 11/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 209/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TẾT TRUNG THU CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2024

Căn cứ Công văn số 793/BLĐTBXH-CTE ngày 29/02/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em năm 2024, nhằm thực hiện hiệu quả và đồng bộ các hoạt động cao điểm trong dịp Tết Trung thu, tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn Thành phố đón Tết Trung thu vui tươi, an toàn, đầm ấm, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em, tạo cơ hội cho mọi trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc, miền núi nói riêng trên địa bàn Thành phố được sống trong môi trường an toàn, bình đẳng, thân thiện, lành mạnh.

- Thực hiện hiệu quả các chính sách có liên quan đến trẻ em nhằm đảm bảo quyền trẻ em; tổ chức đa dạng các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em nhằm thu hút trẻ em tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

- Quan tâm đầu tư, bố trí nguồn lực và tăng cường huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Yêu cầu

- 100% Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em an toàn, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế của địa phương; Quan tâm bố trí nguồn lực và vận động xã hội hóa cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.

- Đảm bảo mọi trẻ em sống trên địa bàn Thành phố được vui Tết Trung thu; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định được quan tâm, hỗ trợ và tặng quà đầy đủ, kịp thời trong dịp Tết Trung thu; việc tặng quà đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, không bị nhầm, không bỏ sót đối tượng, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

- Tiếp tục tập trung tuyên truyền chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.

- Các địa phương, đơn vị khi tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu, hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu phải thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức các hoạt động, kiểm tra khu vực sân khấu trẻ biểu diễn... để loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu có nguyên vật liệu có nguy cơ gây cháy nổ cao, hạn chế việc đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ Trung thu tập trung đông trẻ em.

II. HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM

1. Tổ chức cho trẻ em trên địa bàn Thành phố đón Tết Trung thu

a) Cấp Thành phố:

- Tên gọi: Đêm hội Trăng rằm 2024.

Ủy ban nhân dân Thành phố dự kiến tổ chức Đêm hội Trăng rằm vào 20h00’, ngày 17/9/2024 (tức ngày 15/8/2024 Âm lịch - Thứ ba) tại quận Ba Đình.

b) Cấp huyện, cấp xã: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em từ ngày 12/9 đến ngày 17/9/2024 (tức từ ngày 10/8 đến 15/8 Âm lịch) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tất cả trẻ em đều được đón Tết Trung thu, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở các địa bàn khó khăn và trẻ em vùng dân tộc, miền núi.

2. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

- Chủ động rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có các hoạt động chăm lo cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu.

- Tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhân dịp Tết Trung thu theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

- Bên cạnh đó, tăng cường vận động các nguồn lực hỗ trợ khác để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, dụng cụ phục hồi chức năng, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng, trao sổ tiết kiệm, nhận đỡ đầu... cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích trong học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại các xã vùng dân tộc, miền núi, trẻ em tại các địa bàn khó khăn; các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn nhân dịp Tết Trung thu.

3. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định, chương trình, kế hoạch của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để mọi trẻ em đều được phát triển toàn diện và hưởng đầy đủ Quyền.

- Nội dung truyền thông: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tăng cường nâng cao nhận thức của trẻ em, gia đình và cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn có chủ đích ở trẻ em; Tăng cường truyền thông về đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (số 0243.2233111), Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) để thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và khi trẻ em, cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức có nhu cầu cần trợ giúp, bảo vệ trẻ em.

- Hình thức truyền thông: Tăng cường đa dạng hóa và đổi mới hình thức truyền thông cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, với từng nhóm đối tượng khác nhau, trong đó ưu tiên các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng gia đình, cộng đồng dân cư; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; in và căng treo băng rôn, áp phích, khẩu hiện... tại các địa điểm đông dân cư; đăng tải, xây dựng các tài liệu, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về các thông điệp bảo vệ chăm sóc trẻ em; sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động sáng kiến, hội thi... nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền trẻ em, đưa ra các giải pháp bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói riêng tại gia đình, trường học, cơ sở trợ giúp trẻ em và cộng đồng.

- Đăng tải Thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch Nước; thông tin về các hoạt động tổ chức đón Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn Thành phố.

[...]