Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2024 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 22/01/2024
Ngày có hiệu lực 22/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG CHO LỨA TUỔI HỌC SINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

- Xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của tỉnh, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị đảm bảo có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.

2. Yêu cầu

- Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh; xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Huy động sự vào cuộc tổng thể, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục.

2. Từng đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn, lĩnh vực do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe theo quy định); nhân rộng các mô hình có hiệu quả về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực cổng trường, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh và phụ huynh học sinh.

4. Rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường có nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông, trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như: biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.

5. Nghiên cứu hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.

6. Tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học; kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh học sinh vào trường dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

7. Kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý, đối với các bãi gửi xe được cấp phép xung quanh khu vực trường học thì yêu cầu cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh.

8. Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao thông tại các khu vực có trường học. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể, huy động các nguồn lực xã hội và quan tâm kèm cặp, giúp đỡ những thanh thiếu niên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được đến trường và đến trường an toàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

Đưa nội dung công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới vào các chương trình, kế hoạch của Ban An toàn giao thông tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hằng năm và chuyên đề để triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hướng dẫn toàn ngành giáo dục trong tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó:

+ Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

+ Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm lựa chọn mỗi cấp học 01 cơ sở giáo dục làm điểm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông làm hình mẫu để nhân rộng, lan tỏa toàn ngành.

+ Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, thực hiện Cuộc vận động “Học sinh với văn hóa giao thông”, “Trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông”; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội thanh niên tình nguyện”, “Đội cờ đỏ”, “Xếp hàng đón con” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh.

+ Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe theo quy định); đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh, làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông, phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc, thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm.

[...]