Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 202/KH-UBND
Ngày ban hành 22/11/2021
Ngày có hiệu lực 22/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 22 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19";

Thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ - CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19"; hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 8318/BYT-DP ngày 03/10/2021 và Văn bản số 8399/BYT-MT ngày 06/10/2021;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Nhằm đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

2. Yêu cầu

- Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của tỉnh; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

- Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt; vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

II. PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH CẤP ĐỘ DỊCH

1. Thực hiện phân loại cấp độ dịch đến cấp xã; khuyến khích các huyện, thành phố đánh giá phân loại cấp độ dịch dưới cấp xã để bảo đảm linh hoạt hiệu quả.

2. Tiêu chí phân loại cấp độ dịch thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

3. Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh phân loại cấp độ dịch toàn tỉnh hằng tuần (vào ngày thứ 6).

III. BIỆN PHÁP ÁP DỤNG THEO CẤP ĐỘ DỊCH

1. Biện pháp hành chính theo cấp độ dịch

Thực hiện theo Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc áp dụng thống nhất các biện pháp hành chính phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo phân loại cấp độ dịch.

2. Các biện pháp chuyên môn y tế

2.1. Chuẩn bị năng lực

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần chuẩn bị các nội dung sau:

a) Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

b) Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; chuẩn bị ngay các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cần thiết và nâng cao năng lực trạm y tế cơ sở, trạm y tế lưu động.

c) Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19:

- Xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật số liệu báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.

- Có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà khi cần thiết.

- Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

[...]