Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2016
Ngày có hiệu lực 11/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Trần Đức Quý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Giang, ngày 11 tháng 08 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH HIỆN NAY

1. Thực trạng đời sống gia đình

Các gia đình hiện nay đều được giáo dục các kỹ năng trong đời sống gia đình. Những giá trị truyền thống quý báu vẫn được bảo tồn và phát huy như: Tình yêu lứa đôi trong sáng; lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và sự hy sinh của cha mẹ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; con cháu kính trọng, biết ơn và quan tâm tới ông bà, tổ tiên; tình yêu thương, chăm lo và đùm bọc anh em, họ hàng; đề cao lợi ích chung của gia đình; tự hào truyền thống gia đình, dòng họ. Đồng thời, gia đình cũng tôn trọng tự do, lợi ích cá nhân; tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người; dân chủ trong mọi quan hệ; bình đẳng giữa nam nữ; bình đẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm; không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, giữa anh và em... ngày càng được củng cố, giáo dục, xây dựng theo xu hướng: Dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình, đặc biệt là các gia đình sống ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa dẫn đến các mối quan hệ giáo dục đời sống trong gia đình có những thay đổi nhất định như:

- Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nam lẫn nữ có xu hướng được nâng cao lên; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra ở một số địa phương; tình trạng kết hôn không đăng ký, chung sống trước hôn nhân xuất hiện nhiều ở giới trẻ; số vụ ly hôn tăng lên nhanh qua các năm. Tỷ lệ ở góa, ly hôn, ly thân cả nam và nữ tăng cao;

- Tình trạng bạo lực trong gia đình ngày càng gia tăng với nhiều hình thức đa dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, tình dục và kinh tế;

- Các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình, tội phạm là trẻ em có nguyên nhân từ gia đình đang tăng mạnh. Sự giảm sút vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ em; truyền thống, kỷ cương nền nếp trong gia đình buông lỏng, đã làm cho chức năng kiểm soát trẻ em mất hiệu lực; kỹ năng sống của trẻ em chưa được chú trọng, nhiều gia đình chỉ có 01 đến 02 con nên nuông chiều con thái quá dẫn đến trẻ em có biểu hiện thiếu tính chia sẻ cả trong gia đình và ngoài xã hội;

- Tâm lý chuộng con trai còn phổ biến, vì khi có con trai đa số các gia đình đều chiều con thái quá, làm cho trẻ trai tự coi mình là trung tâm nên dẫn đến tính ỷ lại ỷ lại, không quan tâm đến người khác, đồng thời thiếu sự đối xử công bằng giữa trẻ em trai và trẻ em gái;

- Các gia đình chưa quan tâm, tránh né, ngại chia sẻ trong việc giới tính cho trẻ. Điều này dẫn đến các em ở tuổi vị thành niên, thanh niên chưa hiểu đúng, đủ các kiến thức trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng;

Ngoài ra, có thể kể một số vấn đề như: quy mô gia đình nhỏ với việc bảo đảm cuộc sống của người già, trách nhiệm của bố, mẹ với con cái… Những điều này đều có áp lực rất mạnh đến giáo dục đời sống trong gia đình hiện nay.

2. Nguyên nhân

- Nguyên nhân của tình trạng nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình. Các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác gia đình; chưa gắn việc ổn định và phát triển gia đình với phát triển các cụm dân cư. Công tác quản lý nhà nước về gia đình còn gặp nhiều khó khăn về con người và kinh phí hoạt động. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời;

- Công tác giáo dục đời sống gia đình, cụ thể là việc giáo dục trước và sau khi kết hôn, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi;

- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác giáo dục đời sống gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng sẽ tiếp tục tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và lối sống lành mạnh của mỗi gia đình. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình nếu không được hỗ trợ, giáo dục đầy đủ, nhiều gia đình sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội.

Phần thứ hai

NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình; những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình; giáo dục đời sống gia đình đối với gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được các mục tiêu cụ thể sau:

- Có 90% hộ gia đình trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình;

- Có 80% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;

- Trên 60% thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;

[...]