Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 195/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2021
Ngày có hiệu lực 18/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 18 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI NGUY CƠ HẠN, XÂM NHẬP MẶN, ĐẢM BẢO NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH TRONG MÙA KHÔ 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hại cho sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho Nhân dân trong mùa khô 2021-2022; Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả.

- Rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt của Nhân dân.

- Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp, có hiệu quả, bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân.

- Phối hợp công tác ngăn mặn, trữ ngọt để tạo nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước tại các đô thị: thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và các huyện: Kiên Lương, Kiên Hải.

2. Yêu cầu

- Mức ứng phó: xây dựng kế hoạch ứng phó tương ứng với kịch bản hạn, mặn đã xảy ra trong mùa khô 2019-2020.

- Các Sở, ban, ngành chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân trong mùa khô 2021-2022.

- Chuẩn bị phương án, kế hoạch cấp nước, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, nhất là đối với người dân tại các khu vực khó khăn, vùng không có tuyến ống cấp nước, điều kiện giao thông đi lại không thuận lợi để lấy nước sinh hoạt.

- Sử dụng tiết kiệm nước, chủ động nguồn nước để đảm bảo cung cấp cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2021-2022 và đầu vụ Hè Thu năm 2022; đồng thời, phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cho diện tích sản xuất tôm- lúa.

- Trong trường hợp hạn, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng thì cân đối nguồn nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, tưới cho cây trong có giá trị kinh tế cao và quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

II. NỘI DUNG

1. Nhận định xu thế khí tượng, thủy văn mùa khô 2021-2022

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Quốc gia: tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15 ÷ 25%. Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1 (BĐI) (BĐI tại Châu Đốc là 3,0m) và xuất hiện muộn khoảng giữa tháng 10/2021. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tương đương mùa khô năm 2020-2021, 2016-2017, không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn Kiên Giang:

- Hiện tượng ENSO: xu thế ENSO từ trạng thái trung tính đang chuyển dần sang La Nina và khả năng trạng thái La Nina sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2022 với xác suất 70%.

- Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình trong tháng 10 và 11/2021 xấp xỉ TBNN; tháng 12/2021, tháng 01 ÷ 02/2022, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN do ảnh hưởng bởi mùa Đông của Bắc Bộ.

- Lượng mưa: tháng 10, lượng mưa cao hơn TBNN trên hầu hết toàn bộ khu vực với lượng mưa vượt chuẩn khoảng 10 ÷ 20%; tháng 11, phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 12/2021, tháng 01 ÷ 02/2022, tổng lượng mưa trên khu vực hầu hết thấp hơn TBNN; mùa mưa kết thúc muộn, hầu hết rơi vào khoảng tuần giữa đến cuối tháng 11/2021. Trong những tháng mùa khô tại khu vực Nam Bộ nói chung trong đó có tỉnh Kiên Giang nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ở vài nơi.

- Nhận định khả năng hạn, xâm nhập mặn: đỉnh lũ các Trạm nội đồng Kiên Giang xuất hiện vào cuối tháng 10/2021, ở mức xấp xỉ BĐI đối với các trạm thuộc huyện Giang Thành, Kiên Lương (BĐI Trạm Vĩnh Phú là 1,50m) và cao hơn BĐI khoảng 0,10 ÷ 0,20m tại các trạm thuộc huyện Hòn Đất, Tân Hiệp (BĐI Trạm Tân Hiệp là 0,90m). Từ tháng 12/2021, các cửa sông chưa có công trình ngăn mặn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn khu vực Kiên Giang khả năng cao hơn TBNN nhưng không gay gắt như mùa khô 2019- 2020. Tuy nhiên, tình hình hạn, xâm nhập mặn vẫn đe dọa sản xuất vụ Mùa, Đông Xuân năm 2021-2022 và nước sinh hoạt của Nhân dân. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần chủ động, kịp thời có các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn.

2. Xác định vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt

2.1. Đối với sản xuất nông nghiệp: vùng ven biển từ thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên; vùng ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé; các huyện vùng U Minh Thượng.

2.2. Đối với nước sinh hoạt: trung tâm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên; trung tâm của các huyện, các khu dân cư trong tỉnh và vùng hải đảo.

2.3. Đối với diện tích đất rừng: trọng tâm là Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

3. Giải pháp thực hiện

[...]