Kế hoạch 193/KH-UBND năm 2021 thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 193/KH-UBND
Ngày ban hành 09/11/2021
Ngày có hiệu lực 09/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PH
ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CẤP TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và kế hoạch thực hiện giai đoạn từ năm 2021 - 2025 và xét đề nghị của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 212/TTr-PCTT ngày 01 tháng 11 năm 2021; UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định cụ thể các nội dung, công việc, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

b) Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

2. Yêu cầu

a) Bám sát các nội dung trong Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08/02/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

b) Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực giữa các sở, ngành, địa phương; đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện triển khai thực hiện Bộ chỉ số.

c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG

1. Rà soát tổ chức, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ/ dân sự thành phố.

2. Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống thiên tai tại các cấp.

3. Xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực tham mưu về phòng, chống thiên tai cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

4. Xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025.

5. Lồng ghép nội dung về phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

6. Cung cấp đầy đủ thông tin và cảnh báo về rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở khu vực cho người dân và doanh nghiệp.

7. Quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai:

- Đánh giá mức độ đảm bảo công trình phòng, chống thiên tai (đê kè, hồ chứa nước, khu neo đậu, công trình kết hợp sơ tán dân,...) và xác định trọng điểm xung yếu;

- Tổ chức bảo vệ duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn;

- Tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế, trụ sở công, nhà văn hóa cộng đồng và công trình công cộng khác ở khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai và kết hợp sử dụng làm địa điểm sơ tán dân khi có thiên tai;

- Quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững.

8. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai; tổ chức các lớp tập huấn cho cấp xã, phường về phòng, chống thiên tai.

9. Xây dựng phương án (bao gồm các kịch bản) ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai đối với tùng loại thiên tai cụ thể, phân cấp, giao trách nhiệm thực hiện phương án theo quy định.

10. Tổ chức hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai.

11. Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai.

12. Tổ chức diễn tập về Phương án ứng phó thiên tai.

[...]