Kế hoạch 1929/KH-TTCP năm 2013 đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tại Thanh tra Chính phủ

Số hiệu 1929/KH-TTCP
Ngày ban hành 22/08/2013
Ngày có hiệu lực 22/08/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1929/KH-TTCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC TẠI THANH TRA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”; thực hiện Hướng dẫn số 01/BCĐCCCVCV ngày 01 tháng 03 năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Thanh tra Chính phủ xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng một chế độ công vụ, công chức tại Thanh tra Chính phủ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

2. Yêu cầu

- Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức. Thống nhất về nhận thức coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và then chốt của cải cách hành chính trong ngành Thanh tra hiện nay.

- Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tại Thanh tra Chính phủ phải có lộ trình, bước đi thích hợp và phải gắn với quá trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, phù hợp với đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.

II. CÁC NỘI DUNG ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC

1. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý và hoàn thiện việc tổ chức công vụ theo hướng gọn, nhẹ, tránh chồng chéo. Từng bước gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức. Trước mắt, tập trung làm rõ cơ chế phân cấp quản lý cán bộ đối với các đơn vị sự nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ. Lâu dài, nghiên cứu cơ chế phân cấp tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ cấp phòng cho Văn phòng và các Cục thuộc Thanh tra Chính phủ.

2. Triển khai xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch công chức, hạng viên chức trong các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ. Phấn đấu đến cuối năm 2014, có 100% các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ xây dựng, được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, hạng viên chức.

3. Tổ chức việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức chuyên ngành thanh tra và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

4. Nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức và từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt.

5. Ban hành các quy định của ngành Thanh tra về trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu.

6. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đánh giá công chức căn cứ vào kết quả, hiệu quả công tác; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá thuộc người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức. Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới quy trình đánh giá cán bộ, công chức của Thanh tra Chính phủ.

7. Thực hiện chính sách nhân tài: Quy định các chế độ, chính sách liên quan đến việc phát hiện, tuyển chọn, tiến cử, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

8. Đổi mới công tác bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý: Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý.

9. Đổi mới và kiên quyết thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với công tác đánh giá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

10. Thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tin học vào các hoạt động thực thi công vụ và quản lý cán bộ, công chức: áp dụng chế độ ghi nhật ký thanh tra điện tử của thành viên đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch, thống kê tổng hợp, quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức; đưa công tác thống kê báo cáo vào nề nếp để thống kê trở thành một công cụ quan trọng trong xây dựng và phát triển đội ngũ công chức.

III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về chế độ công vụ, công chức tại Thanh tra Chính phủ

Tiến hành rà soát kết quả xây dựng, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về chế độ công vụ, công chức, tập trung vào các nội dung sau:

a) Sửa đổi, bổ sung, thay thế, xây dựng mới các quy chế, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.

b) Hướng dẫn các vụ, cục, đơn vị về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong từng đơn vị.

c) Quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý và tiêu chuẩn các ngạch công chức tại Thanh tra Chính phủ.

d) Quy định về chế độ đánh giá công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức và kết quả thực hiện nhiệm vụ.

2. Triển khai xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch

[...]