Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2023 thực hiện (vốn đối ứng) dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại tại Hà Nội

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 21/07/2023
Ngày có hiệu lực 21/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN (VỐN ĐỐI ỨNG) DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG CHUỖI GIÁ TRỊ CÂY TRỒNG AN TOÀN TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC VIỆT NAM” DO CHÍNH PHỦ NHẬT BẢN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI TẠI HÀ NỘI

I. Căn cứ pháp lý

- Nghị định 114/2021/NĐ-CP, ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

- Các Thông tư của Bộ Tài chính: số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009; Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 1561/QĐ-BNN-HTQT ngày 28/4/2022 về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; số 1927/QĐ-BNN-TC ngày 30/5/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và Dự toán năm 2022 (vốn đối ứng) thực hiện Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại.

II. Nguyên tắc xây dựng và Mục tiêu của Kế hoạch

1. Nguyên tắc xây dựng và triển khai Kế hoạch

- Dự kiến kinh phí đối ứng ngân sách Thành phố và các hoạt động do Ban quản lý Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” thành phố Hà Nội sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ (PPMU Hà Nội) phối hợp triển khai, trực tiếp triển khai của Kế hoạch thực hiện (vốn đối ứng) Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại tại Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tại Kế hoạch tổng thể và Văn kiện của dự án đã phê duyệt.

- Hàng năm, căn cứ nội dung và kế hoạch phân bổ ngân sách dự án cho năm tài khóa của JICA và CPMU, PPMU Hà Nội chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí đối ứng thực hiện kế hoạch năm tài khóa, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt làm căn cứ triển khai, thực hiện.

2. Mục tiêu của Kế hoạch

- Tổ chức các hoạt động của Dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội để thúc đẩy bền vững sản xuất và kinh doanh cây trồng an toàn góp phần tăng cường chuỗi giá trị cây trồng (rau và quả) an toàn.

- Phát triển nguồn nhân lực khuyến nông, nâng cao năng lực của các hợp tác xã mục tiêu, cải thiện mối quan hệ đối tác giữa các bên liên quan trong Chuỗi giá trị (VC) và tăng cường năng lực thực hiện để đảm bảo an toàn thực phẩm.

III. Nội dung

1. Thời gian thực hiện: từ năm 2023 - 2026.

2. Địa điểm: Trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Các hoạt động chính của dự án

3.1. Nội dung tiền đề: Thực hiện các hoạt động để khởi động Dự án đối với các HTX mục tiêu tham gia (để nhân rộng)

Các hoạt động bao gồm:

Hoạt động tiền đề: Rà soát thực trạng canh tác và thị trường cây trồng an toàn trong vùng dự án.

Hoạt động 1. Xây dựng các tiêu chí lựa chọn và chọn các HTX mục tiêu (ứng viên).

Hoạt động 2. Tổ chức các cuộc họp định hướng cho các ứng viên và chọn các HTX đồng ý với hoạt động của Dự án làm nhóm mục tiêu cuối cùng.

Hoạt động 3. Tiến hành khảo sát ban đầu.

Hoạt động 4. Theo dõi công tác quản lý (diện tích canh tác, sản lượng tiêu thụ, giá bán, v.v của cây trồng an toàn) của các HTX mục tiêu trong từng mùa vụ.

Hoạt động 5. Tiến hành khảo sát khi kết thúc.

3.2. Đầu ra 1: Tăng cường nguồn nhân lực để thúc đẩy mở rộng cây trồng an toàn

Các hoạt động bao gồm:

Hoạt động 1. Chuẩn bị dự thảo chương trình giảng dạy và tài liệu tập huấn về khuyến nông cây trồng an toàn (như: phương pháp khảo sát thị trường, kỹ năng lập kế hoạch quản lý trang trại, kỹ năng sản xuất bao gồm áp dụng GAP cơ bản...), gồm cả việc xem xét các tài liệu hướng dẫn do các dự án JICA trước đây đã sản xuất ra.

[...]