Kế hoạch 191/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025” tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 191/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2019
Ngày có hiệu lực 12/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Thiên Định
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2019 – 2025” TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”;

Căn cứ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự,góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong tỉnh, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng CNTT nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương.

- Phấn đấu đến năm 2025, 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng CNTT góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường ứng dụng CNTT để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nắm bắt thông tin chính thống, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

- Tăng cường nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, viễn thông, internet vùng đồng bào DTTS.

- Chú trọng ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS trong các lĩnh vực thông tin báo chí, giáo dục, y tế, môi trường…

- Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ phù hợp với các định hướng phát triển của vùng.

- Áp dụng thống nhất các giải pháp và tiêu chuẩn an toàn thông tin nhằm đảm bảo kết nối thông suốt, đồng bộ, nâng cao khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan, đơn vị và người dân.

- Xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

2. Phát triển nguồn nhân lực CNTT

- Xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo vùng dân tộc thiểu số.Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ, công chức vùng đồng bào DTTS nhất là cán bộ cấp xã về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức tuyển dụng mới về kỹ năng sử dụng, khai thác hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào.

- Phát triển các hình thức liên kết đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về CNTT. Chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ứng dụng, sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống CNTT cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, phát huy năng lực của thanh niên, lực lượng nòng cốt đi đầu để ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

3. Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT, hướng dẫn sử dụng Internet tra cứu thông tin trước hết cho cán bộ, lãnh đạo DTTS rồi đến người dân vùng đồng bào DTTS.

- Tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan, đơn vị và địa phương cung cấp.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin phổ biến kiến thức về CNTT và xã hội thông qua điện thoại di động/thiết bị thông minh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác kết hợp với các chương trình hội thảo, các chương trình đào tạo phổ cập, bồi dưỡng về CNTT cho đồng bào DTTS.

[...]