Kế hoạch 190/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 190/KH-UBND
Ngày ban hành 22/08/2022
Ngày có hiệu lực 22/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 22 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Thực hiện Văn bản số 655/UBDT-KHTC ngày 29/4/2022 của Ủy ban Dân tộc về việc xây kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 1945;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai phải bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tế của tỉnh để triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và thống nhất.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam từ cấp tỉnh đến cơ sở tham gia giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Mục tiêu tổng quát

- Ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển.

- Cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng phát triển.

- Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời củng cố, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 11% - 12%/năm.

- Phấn đấu giảm 80% hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng thoát nghèo/Tổng số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng thoát nghèo.

- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 95 % ấp, xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

- Hoàn thành cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

[...]