Kế hoạch 19/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 19/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2017
Ngày có hiệu lực 09/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Đinh Chung Phụng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 09 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02 - NQ/TU CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An (sau đây gọi tắt là Di sản) trong phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, như sau:

I. Mục đích yêu cầu

1. Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản phải được tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy với các tiêu chuẩn cao. Bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị di sản là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và của nhân dân trong tỉnh.

2. Giữ vững danh hiệu "Di sản thế giới", bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người dân trong vùng Di sản.

3. Khai thác hợp lý và bền vững các giá trị Di sản phục vụ phát triển du lịch góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của khu vực Duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

II. Nội dung Kế hoạch

1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác bảo tồn di sản và những người làm công tác du lịch

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ: về khảo cổ học, địa chất địa mạo về quản lý di sản và du lịch cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý QTDT Tràng An và UBND các huyện, thành phố trong khu di sản; kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn hóa, văn minh du lịch; tập huấn về nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất hàng hóa, nông sản, đồ lưu niệm phục vụ du lịch; tổ chức tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế về bảo tồn di sản thế giới.

2. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch

- Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy chế quản lý Nhà nước về bảo tồn di sản và phát triển du lịch; mô hình quản lý tại các khu, điểm du lịch trong khu Di sản.

- Xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi xâm hại tới Di sản và tài nguyên du lịch; Xây dựng hoàn thiện Bộ Quy chế quản lý, bảo tồn di sản (trên cơ sở tổng hợp các quy định, quy chế hiện hành thành bộ quy chế chung).

- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê đánh giá kết quả hoạt động du lịch trong khu Di sản.

- Hướng dẫn, chỉ đạo bổ sung vào hương ước, quy ước ở khu dân cư trong vùng di sản về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.

- Tổ chức điều tra thu thập thông tin, số liệu thống kê theo hệ thống các chỉ tiêu thống kê đã được ban hành hàng tháng, quý, năm.

- Tổ chức đánh giá tác động môi trường trong khu di sản, nhận diện, ngăn ngừa các tác động tiêu cực tới cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa khu Di sản.

- Tổ chức các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ di sản, tài nguyên du lịch và các hoạt động du lịch.

- Xây dựng hệ thông biển báo, biểu trưng (lô gô) nhận diện di sản tại các cửa ngõ trong tỉnh và tại các khu, điểm du lịch trong khu Di sản.

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, giám sát cảnh quan môi trường, các di tích, danh thắng trong khu Di sản (Hệ thống thông tin địa lý GIS).

- Quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông kết nối các tuyến điểm trong khu Di sản và với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh; Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó tập trung quy hoạch, phát triển một số khu vực ở vùng đệm cho các loại hình homestay (Du lịch cộng đồng), khu nghỉ dưỡng, sinh thái; Quy hoạch chi tiết khu tái định cư trong vùng lõi của di sản, khu nghĩa trang và các hạ tầng dân sinh khác. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển nghề, làng nghề để khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống trong khu di sản gắn với phát triển du lịch.

3. Công tác xúc tiến và quảng bá du lịch

- Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương như: Hát chèo, hát Xẩm, hát Văn, múa rối nước... đưa vào các chương trình du lịch.

- Xây dựng thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch; tổ chức mời các cơ quan thông tấn, báo chí, các công ty lữ hành, các hãng phim lớn trong nước và quốc tế về tham quan, khảo sát, phát triển thị trường du lịch.

- Xây dựng hệ thống ấn phẩm, vật phẩm tuyên truyền, quảng bá các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản (sách ảnh, bản đồ, tập gấp, phim ảnh, quà tặng, các tác phẩm văn học nghệ thuật...).

- Tham gia tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện văn hóa và du lịch lớn trong nước và quốc tế (hội chợ, triển lãm...).

- Nghiên cứu đề xuất thực hiện đề tài xây dựng bộ phim 3D minh họa về quá trình kiến tạo địa chất, địa mạo và sự thích ứng của con người thời tiền sử ở Tràng An.

4. Công tác đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch

[...]