Kế hoạch 18/KH-UBND về Công tác pháp chế tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2023
Ngày có hiệu lực 09/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 09 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2023

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính) (sau đây viết tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung));

Căn cứ Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Công tác pháp chế tỉnh Tuyên Quang năm 2023, như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung); tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý nói riêng, từ đó góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý, điều hành và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

II. Yêu cầu

Công tác pháp chế phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng quy định; có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện. Công tác lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm kịp thời, có chất lượng; thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo văn bản; kiểm tra, xử lý văn bản phải toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; công tác rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên; gắn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực phản ứng chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác bồi thường của Nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

B. NỘI DUNG, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

I. Nhiệm vụ công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan chuyên môn) chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho tổ chức pháp chế, hoặc công chức pháp chế tại đơn vị chủ trì , phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tham mưu thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) , trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, sau:

1. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 11/KH-TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Văn bản số 2544/UBND-NC ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh chỉ đạo về nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023.

1.1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương gửi Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra đề nghị xây dựng nghị quyết (trừ đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), đề nghị xây dựng quyết định trước khi trình UBND tỉnh theo quy định.

Thời gian thực hiện: Ngay khi có căn cứ đề nghị.

b) Thực hiện soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan mình soạn thảo đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia góp ý hoặc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh.

Thời gian thực hiện: Theo đúng tiến độ tại Kế hoạch soạn thảo, văn bản của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.

c) Góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.

Thời gian thực hiện: Khi có yêu cầu.

1.2. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

a) Phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Thời gian thực hiện: Khi có yêu cầu.

b) Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thời gian thực hiện: Theo định kỳ hoặc đột xuất.

1.3. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

[...]