Kế hoạch 18/KH-UBND về an toàn lao động, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2021

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 21/01/2021
Ngày có hiệu lực 21/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 30/12/2013 của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch An toàn lao động, vệ sinh lao động (an toàn, vệ sinh lao động) thành phố Hà Nội năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố; nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động để không ngừng chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm, trung bình giảm 5,0 % tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện...).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, phấn đấu:

+ Trên 95% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp quận, huyện, thị xã và trong các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

+ Trên 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

+ Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

- Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện, cập nhật về sơ cứu, cấp cứu.

- Trên 60% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 60% doanh nghiệp có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp được thực hiện đo quan trắc môi trường lao động.

- Giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.

- Tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

- Đảm bảo 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thành lập được mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

- Nâng cao năng lực và hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý Nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động của các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

2. Nâng cao nghiệp vụ quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc

- Triển khai các biện pháp phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp.

- Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại trong lao động.

- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác y tế, lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.

3. Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động

[...]