Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 179/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 179/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2017
Ngày có hiệu lực 15/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Thanh Đức
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 15 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA - XÃ HỘI ASEAN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (sau đây gọi là Đề án 161), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

- Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và nâng cao mức sống cho người dân.

2. Yêu cầu

- Xây dựng các giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đảm bảo thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội. Xây dựng một xã hội mở và thích ứng, trong đó giảm dần rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu....

- Quán triệt đầy đủ mục tiêu, biện pháp thực hiện các nội dung gắn kết mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước ở các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trên địa bàn tỉnh, từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ nhân dân.

- Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân; chủ động thực hiện, phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm để đạt được kết quả theo yêu cầu, đúng tiến độ.

- Tích cực và chủ động hội nhập ASEAN trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, môi trường, chính sách về y tế, an sinh xã hội…

- Phát huy vai trò của tỉnh trong tiến trình hội nhập, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng đầu tư, những thành tựu của tỉnh đến với cộng đồng các nước trong khối ASEAN, nhằm thu hút các cơ hội và nguồn lực để hội nhập và phát triển.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân

a) Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, môi trường, an sinh xã hội nhằm đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật đối với người dân.

b) Nâng cao năng lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, tăng cường sự tham gia trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật và hoạt động liên quan đến các lĩnh vực văn hóa xã hội.

c) Từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đề ra các giải pháp và triển khai thực hiện các dự án, chính sách, chương trình, kế hoạch và các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội; củng cố và hoàn thiện hệ thống các dịch vụ xã hội phục vụ nhân dân.

2. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập

a) Giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, trong kinh tế, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin và gia đình, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người thông qua việc đẩy mạnh triển khai các quy định của Đảng, Nhà nước để thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động, người có công với cách mạng và đối tượng xã hội theo quy định.

b) Thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giảm nghèo bền vững và môi trường hòa nhập cho tất cả mọi người. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực, hiệu quả về chương trình việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội hiệu quả, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội đầy đủ, đúng quy định.

c) Thúc đẩy, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế và những đối tượng đặc thù, chú trọng các đối tượng người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các chính sách và hoạt động về y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội.

3. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững

a) Bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao nhận thức, hành động của toàn xã hội, lồng ghép các nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách phát triển ngành, liên ngành môi trường, nông - lâm - ngư nghiệp, các chương trình phát triển, nuôi trồng nguồn lợi sinh vật, trồng cây bản địa nhằm bảo vệ tài nguyên đất, nước, điều hòa khí hậu, giảm nhẹ tác hại do ô nhiễm và thiên tai, đảm bảo lương thực và các nguồn nhiên liệu, dược liệu ổn định; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp vật liệu cho xây dựng… góp phần cải thiện môi trường sống và sinh kế cho người dân.

b) Xây dựng thành phố bền vững về môi trường hướng tới ASEAN xanh, sạch, đẹp. Đảm bảo sự kết hợp giữa các mục tiêu phát triển thành phố bảo vệ môi trường và các kế hoạch, hành động trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai “Mô hình thành phố bảo vệ môi trường ASEAN”, thực hiện chương trình thành phố xanh, sạch, đẹp, tăng không gian xanh công cộng; đảm bảo không ô nhiễm các nguồn nước tự nhiên; thực hiện kiểm soát, quan trắc chất lượng môi trường không khí và môi trường nước; tích hợp khái niệm thành phố bảo vệ môi trường, thành phố xanh trong thiết kế đô thị; tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương về thành phố bảo vệ môi trường và đô thị xanh; cải thiện quá trình thực hiện quản lý rác thải, nước thải, bảo vệ các vùng xanh của thành phố; giảm thiểu rác thải, tái sử dụng và tái chế; nâng cao nhận thức của người dân, từng bước thay đổi hành vi thói quen xả rác thải, thực hiện phương châm sạch từ trong nhà ra ngõ, xóm, thay thế sử dụng các bao bì khó phân hủy bằng các loại bao bì thân thiện với môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa, bảo vệ môi trường.

c) Xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường bn vững với sự tham gia tích cực của chính quyền, cộng đng, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế. Xây dựng và lựa chọn các giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng địa phương trong tỉnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, từ các chính sách, chủ trương đến chương trình, dự án đầu tư; lồng ghép các hoạt động Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương và các ban, ngành liên quan, nhất là ngành nông - lâm - ngư nghiệp và du lịch của địa phương; củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cộng đồng trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nước ngầm; đảm bảo những nguồn lực cần thiết, chủ động vận động các nguồn hỗ trợ, đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai ven biển.

d) Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững với việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý rác thải và sử dụng nhiên liệu hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả; góp phần bảo vệ môi trường, giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Triển khai hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; tuyên truyền làm thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

4. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng tự lực, tự cường

[...]