Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2018 về triển khai Kế hoạch 158/KH-UBND thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo 371/TB-VPCP - lĩnh vực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2018
Ngày có hiệu lực 23/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đặng Huy Hậu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH 158/KH-UBND NGÀY 17/10/2018 VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH TẠI THÔNG BÁO SỐ 371/TB-VPCP NGÀY 24/9/2018 - LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo kết luận số 371/TB-VPCP ngày 24/9/2018 của Văn phòng Chính phủ”, Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3874/TTr-SNNPTNT-KHTC ngày 07/11/2018. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 24/9/2018 - lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Thống nhất trong nhận thức và hành động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, các Sở, ngành, đơn vị và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 371/TB-VPCP.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 17/10/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại thông báo số 371/TB-VPCP ngày 24/9/2018 thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp. Cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá định kỳ việc triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đưa ngành nông nghiệp Quảng Ninh phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo sản phẩm lớn, giá trị cao, đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ động sản xuất và quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.

2. Yêu cầu:

Xác định rõ nội dung ưu tiên trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và PTNT; tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, cung cấp với Sở, ngành, đơn vị liên quan, tranh thủ sự ủng hộ của các đơn vị thuộc Bộ ngành Trung ương để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ.

Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng biển Quảng Ninh để phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; sản xuất tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao.

Phát triển ngành thủy sản phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành thủy sản và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; hài hòa lợi ích giữa hoạt động của các ngành kinh tế, các vùng và các địa phương; không gây mâu thuẫn, chồng chéo kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế.

Ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và quản lý để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời gắn chặt giữa sản xuất với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để phát triển ổn định, bền vững.

Thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh thông qua các chính sách phù hợp với quy định của Luật pháp Việt Nam và các cam kết song phương, đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đa chức năng

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.

Xây dựng các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh để ươm tạo giống, đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo bền vững. Xây dựng vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt các tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ngành nông-lâm-thủy sản. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực tham gia, phục vụ cho cơ giới hóa trong sản xuất; đào tạo nghề cho nông dân.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản hàng hóa được thuận lợi; lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có khả năng nhân rộng.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh; Xây dựng khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp tôm của tỉnh cũng như khu vực Miền Bắc góp phần đẩy mạnh phát triển ngành tôm theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao; là hạt nhân thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh và cho các tỉnh ven biển thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của toàn khu vực miền Bắc.

2. Khai thác bền vững kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản sạch

2.1. Khai thác thủy sản bền vững

Thực hiện định hướng của Đảng nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam; để khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 06/5/2014 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tổng sản lượng khai thác đến năm 2020 đạt 65.000 tấn/năm, đến năm 2030 đạt 78.000 tấn/năm.

Cơ cấu sản lượng khai thác thủy sản theo hướng tăng nhanh về chất lượng và giá trị khai thác, trong đó giảm sản lượng khai thác nội địa và khu vực ven bờ, tăng mạnh tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ (đến năm 2020, sản lượng khai thác vùng biển ven bờ giảm xuống còn 7.000 tấn, sản lượng khai thác vùng lộng còn 20.000 tấn, tăng nhanh sản lượng khai thác xa bờ, đạt 38.000 tấn vào năm 2020).

Cơ cấu nghề khai thác thủy sản: sắp xếp bố trí lại theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm dần khai thác gần bờ, đến năm 2020 tổng số tàu giảm xuống còn 7.000 tàu trong đó đội tàu xa bờ đạt 630 tàu. Chú trọng khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao; phát triển theo hướng chuyển đổi các nghề khai thác ven bờ, kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi hải sản sang một số nghề khai thác xa bờ có hiệu quả, có tiềm năng, thân thiện môi trường.

Tổ chức lại hình thức sản xuất trên biển: Tổ chức theo mô hình kinh tế tập thể, chuỗi liên kết đối với khai thác vùng biển xa bờ. Hình thành thêm từ 15- 20 tổ hợp tác sản xuất trên biển và từ 8-10 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư đến khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing): Tổ chức tuyên truyền phổ biến về IUU fishing, đến hết năm 2020 toàn bộ ngư dân tham gia khai thác thủy sản đều được tiếp cận các thông tin về IUU fishing.

[...]