Kế hoạch 1774/KH-UBND năm 2022 phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 1774/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2022
Ngày có hiệu lực 19/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1774/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 19 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Căn cứ Kế hoạch số 4889/KH-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản: số 409/SNN-TT&BVTV ngày 28 tháng 3 năm 2022, số 662/SNN-TT&BVTV ngày 05 tháng 5 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; nội dung cụ thể như sau:

Phần I

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI GIAI ĐOẠN 2016-2021

Phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt kết quả quan trọng: diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cây bưởi tăng lên rõ rệt với các giống bưởi chủ lực là bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn; đến hết năm 2021, diện tích cây bưởi của tỉnh đạt 5,5 nghìn ha (tăng 2,6 nghìn ha so với năm 2016)[1], diện tích cho sản phẩm 3,74 ha, sản lượng đạt 44,7 nghìn tấn (tăng 28,6 nghìn tấn so với năm 2016). Tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực; diện tích các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng, hình thành và phát triển 161 vùng sản xuất tập trung với diện tích 2,5 nghìn ha với nhiều mô hình thâm canh, sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, cấp mã số vùng trồng và truy suất nguồn gốc; chất lượng, mẫu mã bưởi ngày càng được cải thiện, nâng cao giá trị thu nhập từ cây bưởi, nhiều diện tích bưởi cho thu nhập 400-600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trồng bưởi. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm tổ chức như: Lễ hội bưởi Đoan Hùng và Hội chợ nông sản Phú Thọ (năm 2018), Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ (năm 2020)... qua đó góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan hùng nói riêng và bưởi Phú Thọ nói chung và được nhiều thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Qua 5 năm triển khai thực hiện phát triển cây bưởi đã khẳng định việc lựa chọn và chỉ đạo phát triển cây bưởi là trồng chủ lực của tỉnh là đúng hướng; góp phần đổi mới tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ cây bưởi, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển sản xuất bưởi còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới như: Công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chưa được quan tâm, chưa xác định vùng sản xuất hàng hóa để tập trung chỉ đạo; phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi còn chậm và thiếu chặt chẽ, đa số tiêu thụ qua thương lái, không có hợp đồng; quy mô sản xuất phần lớn còn nhỏ lẻ, phân tán, diện tích tập trung chưa nhiều, chưa đạt quy mô sản xuất hàng hóa lớn; người dân chưa quan tâm đầu tư và áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật do đó năng suất, sản lượng chưa ổn định, chất lượng mẫu mã quả chưa đồng đều; công tác quản lý nhà nước về giống, về thương hiệu bưởi đặc sản còn hạn chế; hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ bưởi còn khó khăn.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI GIAI ĐOẠN 2022-2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển cây bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh;

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị, thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;

- Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vào các kênh phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025: diện tích cây bưởi trên địa bàn tỉnh khoảng 5,5 nghìn ha (trong đó: bưởi đặc sản Đoan Hùng khoảng 1,5 nghìn ha, bưởi diễn và bưởi khác 4 nghìn ha); trong đó diện tích cho sản phẩm 5,0 nghìn ha, tổng sản lượng bưởi đạt khoảng 62,2 nghìn tấn, tăng 40% (18 nghìn tấn) so với năm 2021, giá trị thu được từ cây bưởi đạt trên 800 tỷ đồng;

- Trồng mới, trồng bổ sung, thay thế khoảng 500 ha để nâng diện tích vùng bưởi tập trung đạt trên 3 nghìn ha; trong đó tập trung rà soát, khai thác có hiệu quả khoảng 200 ha từ quỹ đất Công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam bàn giao về cho tỉnh quản lý (tập trung tại các xã: Phương Trung, Bằng Luân, Ca Đình, Tây Cốc, Ngọc Quan, Phú Lâm, Bằng Doãn, Minh Lương huyện Đoan Hùng và một số xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa giáp ranh với huyện Đoan Hùng) để thu hút đầu tư phát triển vùng hàng hóa;

- Áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm; phấn đấu 100% diện tích vùng trồng tập trung được chứng nhận VietGAP và mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, GAP khác; thiết lập mã số vùng trồng đối với các vùng trồng tập trung phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đạt 3 nghìn ha, trong đó 600 ha đủ điều kiện xuất khẩu;

- Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các vùng trồng tập trung nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 60%;

- Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân 1 ha bưởi tăng 1,5 lần so với năm 2021.

(Chi tiết tại các Phụ lục số 2,3,4,5 kèm theo)

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây bưởi

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ