Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 03/02/2016
Ngày có hiệu lực 03/02/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 03 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36A/NQ-CP NGÀY 14/10/2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CNTT

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, ứng dụng CNTT của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan, tổ chức đã được đầu tư nâng cấp, phần lớn các cơ quan, tổ chức đã được đầu tư mạng LAN kết nối internet; hầu hết cán bộ công chức, viên chức được trang cấp máy tính; trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đã được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được kết nối đến tất cả các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, các Đảng bộ trực thuộc và UBND các huyện, thị xã, Thành phố.

Một số hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh đã được xây dựng và triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, như: Cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức và đánh giá kết quả làm việc...Văn bản điện tử đã được luân chuyển trên môi trường mạng qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc, thúc đẩy cải cách hành chính. Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện đã được đầu tư, đến nay phần mềm đã phát huy được hiệu quả tại: UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.

Tuy vậy, ứng dụng CNTT hiệu quả còn thấp, các phần mềm và CSDL dùng chung của tỉnh chưa được đầu tư đầy đủ, chưa triển khai đồng bộ đến các đơn vị  trực thuộc, cấp xã; các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân và doanh nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ 1, 2. Hệ thống giao ban trực tuyến mới chỉ phục vụ các cuộc họp của tỉnh với Trung ương; mạng diện rộng của tỉnh chưa được triển khai.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ; việc tổ chức thực hiện còn chậm, thiếu quyết liệt; nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực CNTT còn ít, không đảm bảo được việc triển khai các kế hoạch, chương trình về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo tiến độ, mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu

- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử đảm bảo an toàn, an ninh thông tin từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức gắn kết với cải cách hành chính.

- Triển khai, nâng cấp, xây dựng các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, các phần mềm và CSDL chuyên ngành.

- Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Trong giai đoạn 2016 - 2020 tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

- Phấn đấu đến hết năm 2016 hoàn thành cơ bản việc đầu tư triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử dịch vụ hành chính công; nâng cấp và triển khai nhân rộng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; triển khai nhân rộng phần mềm hồ sơ cán bộ, công chức và đánh giá kết quả làm việc.

- Từ năm 2017, đầu tư mới một số hệ thống, như: Hệ thống báo cáo trực tuyến, hệ thống theo dõi sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp.

- Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ công chức, viên chức và người dân để trở thành công chức điện tử, công dân điện tử.

III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đầu tư hạ tầng CNTT, viễn thông Internet phục vụ triển khai xây dựng Chính quyền điện tử

a) Xây dựng mạng diện rộng của tỉnh (WAN) trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước

b) Đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh, triển khai các ứng dụng dùng chung, đảm bảo an toàn hệ thống mạng và an ninh thông tin.

c) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

d) Nâng cấp hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật cho tất cả các cuộc họp giữa tỉnh với trung ương và giữa tính đến các đơn vị cấp huyện.

e) Đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, Internet đảm bảo đường truyền nhằm triển khai các ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử.

2. Đầu tư, nâng cấp, các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh nhằm tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.

a) Nâng cấp, triển khai nhân rộng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đồng bộ, đảm bảo kết nối liên thông với Trung ương, kết nối liên thông đến cấp  xã phục vụ trao đổi văn bản điện tử.

b) Thiết lập cổng thông tin dịch vụ hành chính công và triển khai phần mềm một cửa điện tử tỉnh Quảng Bình

[...]