Kế hoạch 1764/KH-UBND năm 2020 về bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 1764/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2020
Ngày có hiệu lực 13/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Thanh Trúc
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1764/KH-UBND

Bình Dương, ngày 13 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA, TẬP VÀ DỤNG CỤ HỌC SINH NĂM HỌC 2020 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Để phục vụ năm học mới 2020 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch Bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA, TẬP VÀ DỤNG CỤ HỌC SINH NĂM HỌC 2018 - 2019

Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1411/KH-UBND ngày 03/4/2019 về việc Bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ tháng 4/2019 đến 30/11/2019 để phục vụ năm học 2019 - 2020;

Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, Sở Công Thương đã phối hợp cùng các sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn, triển khai thực hiện bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh đúng theo kế hoạch; tổ chức tuyên truyền về chương trình bình ổn trên các phương tiện thông tin truyền thông Đồng thời tại các đại lý, nhà sách, trường học và nông trường cao su thực hiện bán hàng đều treo băng rôn “Điểm bán hàng bình ổn giá” nên đã thu hút được phụ huynh học sinh đến mua hàng.

Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gồm có: Công ty cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương; Công ty cổ phần Văn hoá và Thương mại Bình Dương; Công ty cổ phần phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh - Fahasa và Bưu điện tỉnh đã dự trữ và tổ chức bán hàng bình ổn tại 314/295 điểm, đạt 106,4% so với kế hoạch ở các đại lý, nhà sách, trường học, nông trường cao su và các điểm giao dịch, Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh với tổng doanh thu 108,3/107,1 tỷ đồng, đạt 101,1% so với kế hoạch, giá bán đảm bảo thấp hơn từ 10 - 15% so với giá thị trường.

Các doanh nghiệp sau khi thực hiện chương trình đã hoàn tất việc hoàn trả vốn vay ưu đãi cho Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh đúng hạn (30/11/2019).

Nhìn chung, chương trình Bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh năm học 2019 - 2020 vừa qua được các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã chủ động dự trữ hàng hóa sớm, đủ số lượng, tổ chức triển khai bán hàng tại các nhà sách hiện hữu, các đại lý, nông trường cao su và trường học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm sách, tập và dụng cụ học sinh của phụ huynh học sinh với giá cả phù hợp.

II. KẾ HOẠCH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG NĂM HỌC 2020 - 2021

1. Mục tiêu chương trình bình ổn

- Bảo đảm cân đối cung ứng đủ mặt hàng sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh phục vụ năm học mới 2020 - 2021;

- Giảm giá bán các mặt hàng nêu trên từ 10 - 15% so với giá thị trường, trên nguyên tắc doanh nghiệp không bị lỗ;

- Tổ chức hệ thống phân phối từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn chủ yếu tập trung ở các trường học, đại lý, nhà sách và các nông trường cao su trên địa bàn tỉnh;

- Phục vụ chủ yếu cho nhóm đối tượng là học sinh các cấp: Mầm non; Tiểu học; Trung học cơ sở; Trung học phổ thông.

2. Nội dung chương trình bình ổn

2.1. Doanh nghiệp tham gia

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường: Công ty cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương; Công ty cổ phần Văn hoá và Thương mại Bình Dương; Công ty cổ phần phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh - Fahasa và Bưu điện tỉnh Bình Dương đảm nhận.

Tổng trị giá dự trữ hàng hoá bình ổn từ tháng 04/2020 đến hết ngày 25/12/2020 (kể cả học kỳ 2 năm học 2020 - 2021) là 108,1 tỷ đồng, trong đó:

- Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương: 55 tỷ đồng, gồm: 27,5 tỷ đồng sách giáo khoa tương đương 3,124 triệu bản sách giáo khoa và 13,9 tỷ đồng sách bổ trợ tương đương 2,152 triệu bản sách bổ trợ; 1,5 tỷ đồng tập học sinh tương đương 300 nghìn cuốn tập; 12,1 tỷ đồng dụng cụ học sinh.

- Công ty Cổ phần Văn hóa và Thương mại Bình Dương: 31,6 tỷ đồng, gồm: 18 tỷ đồng sách giáo khoa tương đương 2,2 triệu bản sách giáo khoa và bổ trợ; 06 tỷ đồng sách tham khảo tương đương 395 nghìn bản sách, 5,5 tỷ đồng tập học sinh tương đương 560 nghìn cuốn tập và 2,1 tỷ đồng dụng cụ học sinh.

- Công ty Cổ phần phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh - Fahasa: 18,5 tỷ đồng, gồm: 8,5 tỷ đồng sách giáo khoa; 8,5 tỷ đồng tập và 1,5 tỷ đồng dụng cụ học sinh.

- Bưu điện tỉnh Bình Dương: 3,0 tỷ đồng gồm: 01 tỷ đồng tập học sinh và 2,0 tỷ đồng sách giáo khoa, dụng cụ học sinh.

2.2. Vốn vay hỗ trợ chương trình bình ổn

Hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi lãi suất 0% số tiền là 38 tỷ đồng, trong đó:

- Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương: 20 tỷ đồng;

- Công ty Cổ phần Văn hóa & Thương mại Bình Dương: 18 tỷ đồng.

2.3. Kế hoạch đưa hàng về bán tại các điểm

[...]